Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái cơ cấu trồng trọt: Nâng cao giá trị gia tăng

Ánh Dương| 25/07/2018 07:10

(HNM) - Tái cơ cấu trồng trọt của Hà Nội đã và đang chuyển biến rõ rệt, không những nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững mà còn hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn như: Trồng lúa chất lượng cao, cây ăn quả, hoa, cây cảnh... cho giá trị thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm, trồng rau hữu cơ cho giá trị thu nhập lên tới 2 tỷ đồng/ha/năm.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội giới thiệu mô hình trồng bưởi tôm vàng ở xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng với các chuyên gia tỉnh Fukuoka (Nhật Bản).


Hiệu quả rõ rệt

Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nhất là lĩnh vực trồng trọt được các địa phương trên địa bàn thành phố đẩy mạnh qua việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao, giá trị tăng từ 3 đến 8 lần. Trong 5 năm qua, diện tích gieo trồng rau toàn thành phố tăng từ 31.727ha lên 33.537ha, trong đó diện tích rau an toàn 17.850ha, tăng 12% so với năm 2013; diện tích trồng hoa, cây cảnh tăng bình quân 5,6%/năm. Đáng chú ý, diện tích trồng lúa giảm từ 204.353ha xuống còn 189.862ha. Tuy nhiên, diện tích trồng lúa chất lượng cao tăng từ 52.000ha năm 2013 lên 81.000ha năm 2017...

Hiệu quả trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng thể hiện rõ nét là đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, vùng trồng lúa chất lượng cao ở các huyện: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Mê Linh, Thanh Oai, Chương Mỹ, Sóc Sơn cho giá trị thu nhập tăng hơn so với gieo cấy lúa truyền thống từ 25 đến 30%; vùng trồng rau an toàn ở các địa phương: Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ, Đan Phượng… cho giá trị thu nhập từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm. Ông Nguyễn Mạnh Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam, phường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) cho biết: Sau 5 năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Lĩnh Nam có hơn 40ha trồng rau an toàn, còn lại chủ yếu trồng cây ăn quả cam, bưởi, thanh long, chuối tiêu hồng… cho giá trị thu nhập từ 350 đến 500 triệu đồng/ha/năm, trong khi trước đó chỉ đạt khoảng 110 triệu đồng/ha/năm.

Hiệu quả từ trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, rau hữu cơ ở các huyện: Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Đông Anh, Hoài Đức… cũng mang lại cho nông dân thu nhập từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết: Trên địa bàn huyện có mô hình trồng rau hữu cơ của gia đình ông Nguyễn Đăng Quý và bà Đặng Thị Cuối ở xã Đan Phượng, trồng các loại rau: Su hào, xúp lơ tí hon Đài Loan, cải chíp, cải cúc… cho thu nhập từ 2 đến 3 tỷ đồng/ha/năm.

Nhằm nâng cao giá trị diện tích trồng cây ăn quả, nhiều địa phương tập trung phát triển và xây dựng được thương hiệu cho 12 loại cây ăn quả như: Bưởi tôm vàng Đan Phượng, bưởi đường Quế Dương, bưởi Phúc Thọ, Chương Mỹ, Sóc Sơn…

Tận dụng mọi nguồn lực

Thực hiện tái cơ cấu trong lĩnh vực trồng trọt, TP Hà Nội đã triển khai các đề án phát triển trồng hoa, cây cảnh, cây ăn quả, rau an toàn, trồng lúa hàng hóa chất lượng cao và xây dựng thương hiệu “Gạo Thủ đô” cho các vùng trồng lúa hàng hóa chất lượng cao quy mô lớn… Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt được đẩy mạnh, toàn thành phố có 119ha trồng rau nhà lưới, 15ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; 110ha trồng hoa bước đầu ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu như nhà màng, nhà lưới, tưới nước tiết kiệm. Riêng cây ăn quả, có 924,5ha ứng dụng công nghệ cao, trong đó 634ha ứng dụng giống chất lượng cao; 372ha chuối ứng dụng giống nuôi cấy mô và bao buồng...

Bên cạnh đó, việc ứng dụng cơ giới hóa vào trồng trọt cũng được tăng cường. Năm 2017 toàn thành phố có 5.676 máy làm đất (tăng 938 máy so với năm 2013), 281 máy gieo cấy, 990 máy phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ, 877 máy gặt đập liên hợp, đưa tỷ lệ cơ giới hóa về làm đất lên 97%, gieo cấy 2,55%, phun thuốc bảo vệ thực vật có động cơ 46%, thu hoạch bằng máy 85%.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: UBND thành phố đã ban hành một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với đặc thù của thành phố, nhằm thu hút các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn... Thời gian tới, Hà Nội tận dụng mọi nguồn lực tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất, trọng tâm là trồng lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản (cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, chuối nuôi cấy mô)..., nhằm đạt mục tiêu, giai đoạn 2018-2020: Tốc độ gia tăng giá trị sản xuất ngành trồng trọt từ 1,5 đến 1,7%/năm; tốc độ gia tăng thu nhập trên 1ha đất trồng trọt khoảng 3%/năm...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu trồng trọt: Nâng cao giá trị gia tăng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.