(HNM) - Ba năm thực hiện tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, không ít bất cập đã bộc lộ, không ít lúng túng trong triển khai. Do đó, tại hội nghị về “Tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp”, do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 25-8, nhiều nội dung, nhiệm vụ đã được đưa ra bàn
Nghiên cứu, lai tạo các giống lúa chịu hạn, chịu mặn, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Vĩnh Hòa |
Áp lực ngày một gia tăng
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, việc tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp đang chịu áp lực rất lớn từ một thực tế là biến đổi khí hậu (BĐKH) nhanh, mạnh hơn so với dự báo. Thiên tai ngày càng khắc nghiệt, mức độ ảnh hưởng ngày càng rộng đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và người dân. Sạt lở đất nghiêm trọng ở miền Trung, hạn mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong khi cơ sở hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất còn yếu, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Mặt khác là tình trạng thiếu ý thức trong sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường...
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho rằng, sự chuyển biến về nhận thức của chính quyền địa phương chưa theo kịp thực tiễn, cách tiếp cận trong nhiều lĩnh vực chậm thay đổi. Đặc biệt, cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước về vốn, đất đai trong sản xuất nông nghiệp vẫn trong tình trạng chậm ban hành. Nhiều nơi người dân chưa tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ, điều này gây khó khăn cho việc hình thành mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp cũng chưa đủ sức hấp dẫn nên rất ít doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Mặt khác, theo Cục trưởng Cục Chăn nuôi Hoàng Thanh Vân, ngành chăn nuôi đang chịu nhiều tổn thương, đặc biệt là trong khâu tiêu thụ bởi sản phẩm của Việt Nam luôn có giá cao hơn 10-25% so với các nước, dẫn tới sức cạnh tranh kém.
Trong khi đó, hoạt động nghiên cứu và chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp chưa thật sự hiệu quả dẫn tới chất lượng sản phẩm thấp. Đặc biệt, khâu bảo quản sau thu hoạch vẫn còn nhiều vấn đề nên tỷ lệ tổn thất khá cao (từ 20 đến 30%) trong khi các nước như Thái Lan, Ấn Độ… chỉ khoảng 5-6%. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá trị sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam khi xuất khẩu sang các nước. Ví dụ thương lái Trung Quốc thu mua 80% sản phẩm thanh long của Bình Thuận với giá 17.000-18.000/kg, sau đó xuất khẩu sang các nước với giá gấp 20 lần.
Bên cạnh đó là tình trạng buôn bán vật tư giả, kém chất lượng, lạm dụng thuốc trừ sâu, sử dụng chất cấm trong sản xuất tiếp tục diễn biến phức tạp, tỷ lệ các mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang các nước bị cảnh báo vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm còn cao, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu.
Phải tổ chức lại sản xuất
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp trong điều kiện sản xuất lạc hậu, manh mún, trong khi BĐKH diễn biến phức tạp, vì vậy, thời gian tới Ngành Nông nghiệp cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất phù hợp với lợi thế và diễn biến thời tiết, thị trường. Theo đó, từng địa phương tiến hành rà soát, lựa chọn những cây trồng vật nuôi có lợi thế, có thị trường để định hướng sản xuất và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đối với các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc, tùy theo điều kiện cụ thể, các địa phương lựa chọn hướng phát triển nông nghiệp cho phù hợp, đưa cây, con hàng hóa thay cho cây, con tự cung, tự cấp và coi đây là lối thoát căn bản để xóa đói giảm nghèo. Bộ NN&PTNT sẽ chọn 10 sản phẩm chủ lực của Việt Nam để đầu tư, xây dựng thương hiệu phục vụ cho xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị…
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội sẽ thực hiện tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nhằm khai thác, sử dụng tối đa các nguồn lực, xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô theo hướng hiện đại gắn với đô thị sinh thái.
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo: Thời gian tới Bộ NN&PTNT cùng các địa phương cần thực hiện tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp gắn với phát triển thị trường và thích ứng với BĐKH. Các địa phương cần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho phù hợp với điều kiện thời tiết; đồng thời tăng cường phát triển ngành nghề nông thôn gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và tổ chức lại sản xuất theo hướng tiên tiến, hiện đại...
Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới, cần xác định rõ định hướng tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với phát triển thị trường, gắn với nhu cầu của thị trường. “Không phải thị trường trong nước mà là quốc tế, không phải chỉ là hôm nay mà phải tính tới thời điểm hội nhập sâu rộng khi các hiệp định thương mại đa phương, đặc biệt là TPP, có hiệu lực”, Phó Thủ tướng khẳng định: “Tái cơ cấu nông nghiệp để người nông dân không chỉ làm ra những gì có thể, mà làm những gì thị trường yêu cầu”. Muốn như vậy, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, phải xây dựng được các tiêu chuẩn sản phẩm mà thị trường trong nước, quốc tế yêu cầu. Bên cạnh đó, phải xác định được các sản phẩm chủ lực, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh nhằm tạo ra các sản phẩm có số lượng lớn, chất lượng cao.
Để làm được việc này, trước hết, Bộ NN&PTNT cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương rà soát lại quy hoạch để mỗi nơi lựa chọn trồng và nuôi một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực cho xuất khẩu, không để tình trạng nuôi, trồng ồ ạt khiến cung vượt cầu. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp nhằm hình thành các vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, giảm chi phí sản xuất, tăng giá bán trên thị trường; đồng thời tăng cường quản lý chặt chất lượng con giống, thuốc bảo vệ thực vật để hạn chế đến mức thấp nhất việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản phẩm nông nghiệp ảnh hưởng đến xuất khẩu. Cùng với đó là mở rộng thị trường tiêu thụ sang các nước có tiềm năng…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.