Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp Hà Nội: Phát triển nông nghiệp đô thị

Đỗ Minh| 30/08/2016 06:38

(HNM) - Thực hiện tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp Hà Nội đã có những bước chuyển tích cực: Thành phố đã định hình nhiều vùng sản xuất tập trung, triển khai nhiều mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ... Định hướng phát triển nông nghiệp đô thị đang mở ra nhiều triển vọng cho nông nghiệp Thủ đô.

Một mô hình nông nghiệp du lịch sinh thái tại Hà Nội.Ảnh: Bá Hoạt


Chuyển động trước thách thức

Với định hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thời gian qua, Hà Nội đã định hình nhiều vùng sản xuất tập trung; đồng thời ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như trồng hoa, rau an toàn, chăn nuôi bò thịt, bò sữa tập trung… Năm 2015, giá trị sản phẩm thu hoạch/1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 233 triệu đồng, tăng 44,6 triệu đồng so với năm 2010. Cá biệt có những mô hình đạt hàng tỷ đồng/1ha canh tác, qua đó, nâng cao đời sống thu nhập người dân. Nhiều mô hình sản xuất sau khi hình thành đã tạo ra các vùng du lịch sinh thái nông nghiệp, thu hút nguồn lực kinh tế lớn.

Theo Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa, dồn điền, đổi thửa gắn với xây dựng nông thôn mới, cùng với cơ chế, chính sách của thành phố đầu tư cho “tam nông”, Hà Nội không chỉ dẫn đầu cả nước trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và cơ cấu kinh tế nông nghiệp để nâng cao hiệu quả, mà còn ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ vào sản xuất.

Đơn cử, với đề án sản xuất rau an toàn, Hà Nội đã mở rộng diện tích canh tác gần 12.000ha, tương đương 29.000ha gieo trồng/năm, phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã; chủng loại rau phong phú với hơn 40 loại, sản lượng đạt gần 600.000 tấn/năm, đáp ứng 60% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Đến nay, Hà Nội đã phát triển được 5.100ha trồng rau an toàn, trong đó, 171ha rau đạt tiêu chuẩn VietGAP và 31ha trồng rau hữu cơ…

Cũng về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết: Từ việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, Đan Phượng đã hình thành vùng sản xuất hoa lớn nhất nhì thành phố với trên 300ha, mỗi năm các hộ trồng hoa thu về từ 300 đến 500 triệu đồng/ha canh tác. Đan Phượng cũng phát triển nhiều cây ăn quả đặc sản như cam Canh, bưởi Diễn… Ông Nguyễn Hữu Hoàng nhận định: Nông nghiệp Hà Nội mấy năm qua, không chỉ chuyển động theo hướng hiện đại, mà còn sản xuất hàng hóa tập trung, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Tuy vậy, nền nông nghiệp đang đối diện với không ít khó khăn thách thức, nhất là vấn đề tiêu thụ nông sản cho nông dân…

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, so với tiềm năng, lợi thế, tốc độ tăng trưởng kinh tế Ngành Nông nghiệp Hà Nội thấp hơn nhiều so với các ngành phi nông nghiệp. Sản xuất còn manh mún, đầu tư cho nông nghiệp còn thấp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi chậm; việc xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa còn hạn chế. Đặc biệt, quỹ đất dành cho nông nghiệp bị thu hẹp, ảnh hưởng tới phát triển mở rộng quy mô sản xuất. Hà Nội chưa hình thành những vùng sản xuất lớn tạo nên những nông sản chủ lực mang lợi thế cạnh tranh của nền nông nghiệp đô thị. Sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng đạt tỷ lệ thấp…

Nhân giống cây hoa lan theo công nghệ mới tại xã Phương Đình, huyện Đan Phượng. Ảnh: Bá Hoạt


Phải thay đổi tư duy

Định hướng phát triển Ngành Nông nghiệp trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội xác định, chú trọng việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; tăng sản phẩm nông nghiệp đã qua chế biến; sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, nông nghiệp đô thị sinh thái, tạo vành đai xanh, góp phần phát triển du lịch dịch vụ gắn với bảo vệ môi trường…

Để đưa chủ trương lớn của thành phố vào đời sống, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Hồng Lâm đề xuất, thành phố cần có cơ chế thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp. “Huyện Quốc Oai đang đẩy mạnh khôi phục vùng đồi sản xuất chè, qua đó mở hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với những di tích lịch sử trên địa bàn. Để làm được điều đó, rất cần sự tham gia của các doanh nghiệp” - ông Nguyễn Hồng Lâm nhấn mạnh.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc Hà Nội Bùi Đại Phong cho rằng, việc tiếp cận với nguồn vốn đặc biệt khó khăn, do vậy khi doanh nghiệp tự bỏ tiền ra thì rõ ràng lại không nằm trong diện chính sách hỗ trợ vốn vay. Việc tham gia hội chợ để xúc tiến thương mại đối với doanh nghiệp còn khó khăn, đề nghị được thành phố hỗ trợ 100%...

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ cho biết: Trong kế hoạch triển khai đề án tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp, thành phố coi trọng việc thay đổi cơ cấu, cách thức đầu tư. Theo đó, ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, phôi giống có năng suất, chất lượng cao, thích hợp cho sản xuất nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng khu thương mại, chế biến nông sản để thúc đẩy thương mại sản phẩm của Hà Nội và thương mại nông sản của vùng phía Bắc; lựa chọn các dự án có khả năng thu hồi vốn để xã hội hóa đầu tư và phân cấp quản lý đầu tư nhiều hơn cho các địa phương...

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, nông nghiệp Hà Nội có một vị trí quan trọng đối với cả nước. Do nhu cầu phát triển đô thị, đòi hỏi Ngành Nông nghiệp phải thay đổi tư duy trong sản xuất, thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong rất nhiều giải pháp thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thì phát triển nông nghiệp đô thị là hướng đi có tính khả thi cao để giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hóa, hướng tới xây dựng đô thị sinh thái bền vững cho tương lai.

Mục tiêu kế hoạch tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp Hà Nội giai đoạn 2016-2020, tổng sản phẩm nông nghiệp tăng bình quân mỗi năm từ 3,5 đến 4,0%; giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng bình quân mỗi năm 3%. Đến năm 2020, có trên 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 10 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 1,5%...

Nhằm thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐND về một số chính sách thực hiện "Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020".

Theo đó, ngân sách thành phố hỗ trợ 100% phí quản lý nếu vay vốn Quỹ Khuyến nông Hà Nội và hỗ trợ 100% lãi suất theo mức lãi suất của Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh TP Hà Nội, nếu vay vốn tại các ngân hàng tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn vay tối đa là 36 tháng.

Ngoài các chính sách được hưởng theo quy định tại nghị quyết này, doanh nghiệp, HTX, cá nhân được hỗ trợ thêm 30% chi phí hạng mục đầu tư thiết bị công nghệ mới, mức hỗ trợ tối đa không quá 300 triệu đồng/mô hình sản xuất trồng trọt, thủy sản, 500 triệu đồng/mô hình đối với chăn nuôi, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản...
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu Ngành Nông nghiệp Hà Nội: Phát triển nông nghiệp đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.