Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái cấu trúc để tạo đột phá

TS Nguyễn Đình Dương| 01/01/2010 06:34

(HNM) - Trong bối cảnh kinh tế cả nước phải chèo chống giữa muôn vàn khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, GDP năm 2009 của Hà Nội vẫn tăng trưởng 6,7%, đây là mức tăng khá cao so với mặt bằng chung.

Để phát triển bền vững, xứng tầm với vị thế Thủ đô, kinh tế Hà Nội cần có những bước đột phá nhằm tái cơ cấu trước những thách thức mới. Năm 2010, Thủ đô Hà Nội sẽ đón Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là sự kiện trọng đại của đất nước, của Hà Nội và cũng là cơ hội lịch sử để Thủ đô tập trung tối đa các nguồn lực cho phát triển.

Tranh thủ cơ hội, phát triển nguồn lực

Với sự cố gắng và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân, trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới, kinh tế Hà Nội vẫn chặn được đà suy giảm và đạt tốc độ tăng trưởng khá. Nếu như quý I, GDP Hà Nội chỉ tăng trưởng 3,1%, thì quý II tăng 5,1%, quý III tăng 8,3% và đến quý IV ước tăng 9%; dự kiến cả năm 2009, GDP Hà Nội tăng trưởng 6,7%.

Dây chuyền sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty Dệt 10-10. Ảnh: Huyền Linh

Năm 2010, Thủ đô tròn 1000 tuổi, Hà Nội cũng đứng trước nhiều vận hội lớn sau khi mở rộng địa giới hành chính. Đây là cơ hội lịch sử để Hà Nội phát huy tối đa các nguồn lực cho phát triển. Tuy nhiên, Hà Nội cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn. Kinh tế thế giới dù đã bắt đầu phục hồi từ quý III-2009 nhưng chưa vững chắc; khả năng lạm phát cao có thể bùng phát bất cứ lúc nào; dịch bệnh và thiên tai luôn tiềm ẩn… Với những thuận lợi và thách thức trên, để đạt mục tiêu tăng GDP 10% trong năm 2010, Hà Nội cần xác định đúng những trọng tâm phát triển kinh tế, trong đó chú trọng một số lĩnh vực then chốt. Thứ nhất, cần tạo bước phát triển đột phá trong ngành dịch vụ, tập trung vào các loại hình có trình độ cao, tiến tới đạt chuẩn khu vực trong các lĩnh vực du lịch, thương mại, bưu chính - viễn thông, tài chính - ngân hàng, đào tạo, y tế, vận tải công cộng và một số loại dịch vụ đô thị chủ yếu. Thứ hai, cần duy trì tốc độ tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp. Trong đó, ưu tiên phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực có thương hiệu, có lợi thế cạnh tranh và hàm lượng chất xám cao. Bên cạnh đó, cần chuyển dần từ công nghiệp gia công lắp ráp sang công nghiệp chế tạo... để có thể tham gia vào chuỗi giá trị khu vực hoặc toàn cầu. Phát triển nông nghiệp cũng là một trong những hướng đi hiệu quả của Hà Nội. Theo đó, cần có chính sách phát triển hợp lý các vùng trồng hoa, cây cảnh, rau an toàn năng suất cao; di chuyển các cơ sở chăn nuôi khỏi khu dân cư; tổ chức lại hệ thống chăn nuôi gia súc, gia cầm nhằm bảo đảm môi trường nông thôn và kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Cùng với phát triển nông nghiệp, nên quản lý chặt chẽ, hiệu quả diện tích đất nông, lâm nghiệp và vành đai xanh cho đô thị, sớm áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao.

Đầu tư hiệu quả, tăng sức cạnh tranh

Để kinh tế Thủ đô phát triển bền vững trong tương lai, cần có những chuyển biến mạnh trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh việc khai thác hiệu quả thị trường trong và ngoài nước, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng tăng trưởng, tăng sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô, Hà Nội cần tranh thủ tối đa cơ hội vốn có và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư để triển khai các dự án xây dựng, nhất là các công trình trọng điểm.

Trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, cần tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại, mở rộng hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị. Bên cạnh đó, cần chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tăng các mặt hàng có giá trị cao, tập trung vào các thị trường có khả năng cạnh tranh. Song song với việc nâng cao chất lượng các dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, Hà Nội cần phối hợp với các bộ, ngành phát triển ổn định thị trường chứng khoán; tiếp tục nâng cấp hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, nâng cao mật độ điện thoại và tỷ lệ người sử dụng

internet. Để hỗ trợ, phát triển thích đáng các sản phẩm công nghiệp chủ lực, nên xây dựng chiến lược hỗ trợ cho những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao. Từ đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất. Bên cạnh đó, cần sớm hoàn thành quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, làng nghề truyền thống và ban hành tiêu chí sản xuất và kinh doanh sạch để áp dụng trên địa bàn...

Với việc lựa chọn những hướng đi phù hợp cho tương lai, kinh tế Hà Nội sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Những thành tựu kinh tế mà Hà Nội đã đạt được trong năm 2009 là tiền đề vững chắc để Thủ đô sớm khôi phục đà tăng trưởng cao, giúp cải thiện thu nhập của người dân. Đây là cơ hội để Hà Nội vững bước vươn lên, sánh vai cùng các thủ đô lớn trong khu vực và thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cấu trúc để tạo đột phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.