(HNM) - Hà Nội đã và đang hình thành nên nhiều khu đô thị mới với số lượng dân cư đông đúc. Yêu cầu xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở tại khu vực này ngày càng cấp bách.
Hà Nội đang hình thành nhiều khu đô thị mới với lượng dân cư đông đúc, yêu cầu xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở tại khu vực này ngày càng trở nên cấp bách hơn. Ảnh: Bá Hoạt |
Những “khoảng trống” cần lấp
Về sinh sống tại Khu đô thị (KĐT) Tây Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đã gần một năm nay, nhưng tháng nào, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vẫn phải về quận Cầu Giấy để tham gia sinh hoạt chi bộ. Một trong những lý do là tại nơi ở mới chưa hình thành tổ chức cơ sở Đảng. Không chỉ ở KĐT Tây Linh Đàm, nhiều KĐT cũng rơi vào tình trạng không tổ dân phố, không chi bộ đảng.
So với nhiều tỉnh, thành phố, Hà Nội vẫn là địa phương khá chủ động trong xây dựng hệ thống chính trị tại các KĐT mới. Tiến độ hình thành các tổ dân phố, chi bộ Đảng ở những nơi này thường từ 1 đến 3 năm sau khi KĐT mới hình thành, cư dân vào sinh sống. Trong khi ở nhiều tỉnh, thành phố khác, có nơi mất tới 5-10 năm mới hình thành được các tổ chức chính trị ở KĐT.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra không chỉ là tiến độ chậm trễ, mà việc hình thành các chi bộ dân cư, tổ dân phố nảy sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nắm bắt tình hình, tư tưởng của nhân dân. KĐT mới Time City đi vào hoạt động từ năm 2013-2014 với 12 khối nhà, trong đó 11 khối nhà thuộc địa bàn phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), 1 khối nhà thuộc phường Mai Động (quận Hoàng Mai). Đến nay, toàn khu đã hình thành tổ dân phố đặt dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng. Ở phường Vĩnh Tuy, 11 khối nhà thuộc KĐT Time City được chia thành 11 tổ dân phố. Tất cả được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của một chi bộ với 40 đảng viên. Với số dân cư khoảng 2 vạn, đây thực sự là một việc quá sức và khó có thể khẳng định chi bộ sẽ quán xuyến được mọi việc.
Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Tuy Lê Thành Vinh thừa nhận: “Đúng là việc tổ chức hoạt động không thể được như ở các khu khác”. Cũng ở Time City, nhưng duy nhất tòa nhà T18 thuộc phường Mai Động (quận Hoàng Mai), các đảng viên ở đây được xếp thành một tổ đảng trực thuộc Chi bộ dân cư số 10 ở gần đó. Như vậy, ngoài việc trực tiếp chỉ đạo tổ dân phố số 10, chi bộ này còn lãnh đạo cả tổ dân phố 58 gồm khoảng 600 hộ dân cư sinh sống tại tòa nhà T18. Theo Bí thư Đảng ủy phường Mai Động Lê Tuyết Hương, chỉ riêng việc tiếp cận với dân cư ở đây đã rất khó.
Những bất cập nêu trên cũng diễn ra ở các quận, huyện có nhiều tòa nhà chung cư, có KĐT mới. Đó là chưa kể những bất cập ở các huyện có đô thị mới như Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh… nơi khu dân cư đô thị đòi hỏi cung cách quản lý kiểu đô thị lại thuộc địa bàn nông thôn, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy vốn đã quen với địa bàn nông nghiệp nông thôn.
Đòi hỏi sự chỉ đạo bài bản, thống nhất
Yêu cầu hình thành hệ thống chính trị ở các KĐT, khu chung cư mới như chi bộ, tổ dân phố, ban công tác mặt trận, đoàn thanh niên, hội phụ nữ… là tất yếu. Đáp ứng được yêu cầu này trước hết là bảo đảm quyền lợi của người dân, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo sâu sát, toàn diện của Đảng, Nhà nước tới từng địa bàn dân cư.
Vấn đề trước tiên đặt ra đối với Hà Nội hiện nay là cần đẩy nhanh hình thành hệ thống chính trị đầy đủ ở các KĐT mới, không để xảy ra tình trạng “trắng” tổ chức Đảng, chính quyền ở địa bàn dân cư. Theo Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Hai Bà Trưng Dương Hoài Nam, nhiệm vụ này phụ thuộc rất lớn vào sự chủ động, tích cực của đảng ủy các phường nơi có KĐT mới. Đây cũng là suy nghĩ của Bí thư Đảng ủy phường Mai Động (quận Hoàng Mai) Lê Tuyết Hương khi cho rằng: “Ngay từ bây giờ, chúng tôi đã phải quan tâm để ngay khi những tòa nhà giai đoạn hai của Time City có dân đến ở sẽ phải tiến hành khảo sát, xây dựng hệ thống chính trị một cách sớm nhất”. Tuy nhiên, để thúc đẩy tiến độ, cần lắm những chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên. Ông Nguyễn Tiến Quyết, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy Hà Đông, nơi có số lượng lớn các KĐT mới cho biết, Ban Tổ chức Quận ủy vừa ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể cho cấp ủy các phường chỉ đạo việc thành lập chi bộ, tổ dân phố ở các KĐT mới, địa bàn dân cư mới. Đây là việc làm rất cần thiết.
Bên cạnh đó, cần thiết phải có sự chỉ đạo bài bản, thống nhất của cấp ủy cấp trên để giúp các cấp ủy, chính quyền cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý dân cư ở các KĐT mới, các tòa nhà chung cư, tránh trường hợp để chi bộ, tổ dân phố phải “quá sức” hoặc phó mặc cho ban quản lý KĐT. Theo Bí thư Đảng ủy phường Vĩnh Tuy Lê Thành Vinh, nắm rõ những khó khăn này nên nhiều trường hợp, Đảng ủy phường phải là cầu nối giữa chi bộ, tổ dân phố với ban quản lý KĐT. Sự chủ động của phường Vĩnh Tuy là rất tích cực, nhưng không phải ở nơi nào cũng làm được như vậy. Chưa kể, cần lắm những “mô hình mẫu” trong việc tạo lập sự phối hợp giữa ban quản lý KĐT với chi bộ, tổ dân phố hay cấp ủy, chính quyền phường, xã, thị trấn để nâng cao hiệu quả công tác quản lý dân cư, nắm bắt và giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh, tránh “bỏ trống trận địa” như đã đề cập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.