(HNM) - Có lẽ điều mà hàng triệu khách hàng dùng điện thoại di động đến nay vẫn luôn thắc mắc là tại sao số điện thoại của mình cùng các thông tin cá nhân lại bị
Không chỉ bị cuộc gọi, tin nhắn rác làm phiền, hàng triệu khách hàng còn đối mặt nguy cơ bị lừa đảo và đã có không ít người đã "dính quả lừa". Trong số những trường hợp chủ thuê bao "nhẹ dạ" bị lừa, người may mắn bị lừa vài trăm nghìn đồng nạp tiền qua thẻ cào, nặng hơn thì bị lừa đến vài trăm triệu đồng. Riêng năm 2014, Công an TP Hà Nội đã phát hiện, điều tra hàng chục vụ lừa đảo qua điện thoại với số tiền lên tới hàng tỷ đồng. Gần đây, Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can đối với kẻ "tự phong" là "cháu" của "ông chú Viettel" sau khi người này phát tán thông tin trên mạng về việc khuyến mãi giá trị thẻ nạp gấp tới 10 lần để dụ khách hàng nạp tiền.
Trở lại với việc thông tin về số điện thoại và thông tin cá nhân, kể cả thông tin nhạy cảm của khách hàng bị lộ, "nghi can" số một chính là các nhà mạng, gồm Viettel, MobiFone, Vinaphone, Vietnamobile, Gmobile. Vì sao? Vì, đơn giản họ lưu giữ, quản lý số điện thoại của khách hàng và các thông tin như tên, giới tính, ngày sinh, địa chỉ của chủ thuê bao. Trước sức ép của dư luận, các nhà mạng cũng từng lên tiếng khẳng định bảo đảm quy trình về giữ thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật. Song, có một thực tế là các nhà mạng còn hợp tác với các DN cung cấp dịch vụ nội dung, vậy thì điều dễ hiểu là nếu không có danh sách số điện thoại thì làm sao DN nội dung nhắn tin quảng cáo? Chưa hết, có thể nhà mạng không cung cấp số điện thoại ra bên ngoài, nhưng lấy gì bảo đảm nhân viên ở một số bộ phận không cung cấp thông tin của chủ thuê bao để thu lợi bất chính!? Thậm chí một khách hàng là phóng viên một tờ báo ở TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội công tác hơn một tháng từng đặt nghi vấn về việc có "bàn tay" của các nhà mạng, vì khi ở trong Nam, vị khách này chỉ toàn nhận được tin nhắn rao bán, mua ở khu vực TP Hồ Chí Minh, nhưng kể từ khi đặt chân ra Hà Nội, chỉ trong một tuần chỉ nhận được tin nhắn rao bán ở khu vực Hà Nội mà không nhận được tin nhắn rác chào bán ở khu vực TP Hồ Chí Minh?
Một lý do nữa không thể không kể đến đó là hằng ngày, nhiều người phải thực hiện các giao dịch và luôn nhận được đề nghị hoặc chủ động cung cấp thông tin để thuận tiện giao dịch. Có thể đó là thông tin với ngân hàng, dự án bất động sản, kể cả mua sữa, quần áo cho trẻ nhỏ... Ngoài những tiện lợi như đã nói trong giao dịch, song đây lại chính là "nguồn" béo bở cho những kẻ cơ hội lợi dụng để tập hợp rao bán thông tin phục vụ các mục đích theo ý đồ có lợi cho chúng. Vì vậy, dễ hiểu khi có thể tìm kiếm trên mạng những thông tin khách hàng như số điện thoại, tên mà còn kèm cả địa chỉ chỗ ở chính xác. Thậm chí có thời điểm các thuê bao còn nhận được các tin nhắn rao bán danh sách giám đốc trên toàn quốc, hoặc giám đốc tại Hà Nội kèm số điện thoại liên hệ nếu khách hàng có nhu cầu…
Về vấn đề này cách đây hai năm Thanh tra Sở TT-TT Hà Nội từng kiểm tra và phát hiện, xử phạt hành chính một DN rao bán thông tin khách hàng trên mạng. Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh của điện thoại smartphone với các ứng dụng mạng xã hội, dịch vụ miễn phí, chủ thuê bao chỉ cần nhấn nút "chấp nhận", sẽ phải thực hiện các yêu cầu cần thiết như đòi hỏi được đồng bộ hóa danh bạ điện thoại… khi đó, nhà cung cấp dịch vụ, ứng dụng đó đã có trong tay hàng nghìn số điện thoại, kèm tên, thậm chí nơi công tác, chức danh được ghi trong điện thoại của khách hàng.
Việc bảo vệ các thông tin khách hàng đều đã được cụ thể trong các văn bản luật, trong đó quy định tại điều 226, Bộ luật Dân sự; tại Điều 66 Nghị định số 174/2013/CP ngày 13-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Song, mỗi khách hàng khi sử dụng điện thoại trước hết phải lưu ý việc giữ thông tin của chính mình khi thực hiện giao dịch để tránh bị làm phiền hoặc đừng nhẹ dạ để bị lừa đảo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.