(HNM) - Tách làn phương tiện chẳng phải là phát kiến mới mẻ gì mà đã được thực hiện từ lâu. Theo các chuyên gia, giao thông Hà Nội là phức hợp nhiều loại phương tiện nên việc tách làn là cần thiết để hạn chế ùn tắc, tai nạn, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Đáng tiếc trong những lần thí điểm trước đây, việc tách làn chỉ thành công trong thời gian đầu, khi lực lượng chức năng "rải người" trên phố. Sau khi lực lượng này rút đi, đâu lại vào đó. Trong tháng 9, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức tách làn trên một số tuyến phố. Tuy nhiên, khả năng thành công sẽ khó như ý nếu không thay đổi quan điểm tiếp cận và vẫn duy trì cách làm theo kiểu "đánh trống, bỏ dùi"…
Những lần thí điểm thất bại
Với sự giúp đỡ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JCA), từ năm 2003, tuyến phố Kim Mã đã được tổ chức phân làn thí điểm. Nhưng, phải đến năm 2006, việc tách làn phương tiện mới được nhiều người biết đến với đợt tuyên truyền rầm rộ và tổ chức thực hiện trên tuyến Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt. Với quyết tâm rất cao, một lực lượng hùng hậu được "rải" khắp trên tuyến phố này để hướng dẫn, tổ chức các loại phương tiện đi đúng làn đường quy định. Và hiệu quả cũng thật ấn tượng. Ô tô đi làn ô tô, xe máy đi làn xe máy, trật tự, ngăn nắp đâu ra đấy. Tiếc là, sau khi vắng bóng lực lượng chức năng, do ý thức người tham gia giao thông quá kém nên đâu lại vào đấy, vô lối, lộn xộn. Kế hoạch tiếp tục nhân rộng kết quả tách làn phương tiện trên một số tuyến phố khác phải xếp lại. Mãi đến năm 2009, cơ quan chức năng mới lại kẻ vạch, hướng dẫn tách làn trên đường Giải Phóng, nhưng thực hiện khá thầm lặng và kết quả gần như là con số không. Các chuyên gia giao thông Nhật Bản sang nghiên cứu, hỗ trợ việc tách làn cũng bất lực bởi ý thức của người tham gia giao thông quá kém. Thẳng thắn nhìn nhận thì thất bại của những lần thí điểm trước còn do cách thức tiếp cận và tổ chức thực hiện chưa đủ quyết liệt để làm nên một hiệu ứng xã hội.
Thay đổi cách thức tiếp cận
Tại cuộc họp mới đây, Sở GTVT đề xuất duy trì trở lại việc phân làn đường trên những tuyến phố đã triển khai trước đây, đồng thời thực hiện thêm ở 9 tuyến phố khác, gồm Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai, Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ, Quang Trung - Trần Phú - Nguyễn Trãi (Hà Đông); Nguyễn Văn Cừ (từ cầu Chui đến qua cầu Chương Dương), Hoàng Quốc Việt, Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Đê 401, Phố Huế - Hàng Bài, Bà Triệu, Trần Phú, Tràng Thi. Đây đều là những tuyến khá rộng, có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, khoảng cách nút đáp ứng được tiêu chí phân làn. Tuy nhiên, Đại tá Trần Thùy, Phó Giám đốc Công an TP cho rằng, việc phân làn đường đòi hỏi phải có lực lượng lớn để kiểm tra, xử lý trong khi công việc thường ngày đã rất nặng, nếu làm trên nhiều phố sẽ không đủ người. Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát Giao thông Công an TP đồng tình với quan điểm này và cho rằng chỉ nên làm ở một số tuyến rồi tổ chức nhân rộng sau. Ông Ngọc đề nghị thành phố bổ sung phương tiện tuần tra trên đường là xe máy phân khối lớn, máy đo nồng độ cồn, cân kiểm tra tải trọng xe, xe kéo phương tiện để vừa làm công tác phân làn vừa thực hiện các công việc khác để nâng cao ý thức người dân. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi nhất trí với đề xuất của ngành công an và yêu cầu tổ chức phân làn tại 3 tuyến cũ và 2 tuyến mới gồm Bà Triệu và Hàng Bài - Phố Huế.
Rõ ràng, so với thời điểm 2009, 2006 và 2003, việc tổ chức phân làn hiện nay gặp nhiều khó khăn hơn bởi cơ sở hạ tầng, ý thức của người tham gia giao thông chưa được cải thiện là mấy, nhưng phương tiện cá nhân lại tăng cao hơn nhiều. Đây là thách thức thực sự cho lực lượng chức năng. Tuy nhiên, có một thuận lợi không nhỏ là Nghị định 34/2010/NĐ-CP ra đời đã nâng đáng kể mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó có lỗi đi không đúng làn đường. Những mức phạt được xem là đủ sức răn đe, chấn chỉnh, lập lại ý thức người tham gia giao thông sẽ là điều kiện thuận lợi để thực thi nhiệm vụ. Sau thất bại của những lần tổ chức thí điểm trước, rõ ràng, nếu chỉ tuyên truyền, giáo dục sẽ không đủ để thay đổi ý thức của người điều khiển phương tiện và phải trông vào việc xử phạt nghiêm khắc.
Tuy nhiên, cái khó như đã nói ở trên là không thể rải người trên phố để kiểm tra, xử phạt, do vậy rất cần những biện pháp có thể xử lý triệt để hơn đối với người vi phạm. Thiết nghĩ, ngoài việc tăng cường phương tiện để kiểm tra, xử lý cơ động, nên tính tới giải pháp "phạt nguội" thông qua hệ thống camera ghi hình để vừa bảo đảm được sự nghiêm minh của luật pháp vừa bảo đảm an toàn giao thông. Một vấn đề khác rất đáng quan tâm là so với vài năm trước, lượng ô tô đã tăng lên đáng kể, do vậy cũng cần tính toán việc "chia đường" sao cho hợp lý, phù hợp với từng đoạn tuyến, lưu lượng xe, nếu không tình hình có thể phức tạp hơn. Việc thay đổi cách thức tiếp cận, nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo, quyết tâm thực hiện cao là rất cần thiết để không tiếp tục tái diễn cảnh "đánh trống, bỏ dùi" như mấy đợt trước đây.
Theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, ô tô đi không đúng phần đường, làn đường quy định bị xử phạt từ 600 nghìn đồng đến 800 nghìn đồng; mức phạt dành cho mô tô, xe máy là từ 80 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng và từ 40 nghìn đồng đến 60 nghìn đồng đối với xe đạp, xe đạp máy, xe thô sơ vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.