Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tác nghiệp mạo hiểm

Dương Hà| 12/02/2012 07:38

(HNM) - Nhập vai, biến mình thành người trong cuộc để phản ánh sự kiện là một trong những hoạt động tác nghiệp mang lại nhiều cảm hứng, hiệu quả nhưng cũng đầy mạo hiểm, rủi ro đối với nhà báo.

1. Khi nào phải điều tra nhập vai?

Thực tế, không chỉ khi nhà báo thực hiện bài điều tra lớn, phức tạp mới thấy hoạt động tác nghiệp theo kiểu nhập vai. Những phóng sự trên VTV gần đây về thu phí trông giữ xe cho thấy rất rõ vai trò của phóng viên khi biến mình thành một người gửi xe để phản ánh hoạt động thu phí. Quyền được thu thập thông tin đã được quy định rõ trong Luật Báo chí, nhưng thực tế để có thông tin sống động và trung thực, nhà báo không chỉ phỏng vấn trực tiếp, hoặc căn cứ trên các số liệu báo cáo. Và họ tiến hành một phương pháp biến mình thành người trong cuộc để phản ánh sự việc sao cho thật nhất. Cuốn giáo trình báo chí lâu đời mang tên "News Reporting and Writing" của Đại học Missouri (Mỹ), gọi hoạt động này là "quan sát thâm nhập" hay "tường thuật ngụy trang". Khi Đài truyền hình KSTV ở Minneapolis khảo sát về vấn đề an toàn trên xe buýt chở học sinh, một biên tập viên đã phải xin việc làm ở công ty xe buýt để tìm hiểu tình hình, bởi "không xâm nhập thì không thể biết và thu lượm những thông tin và cảm xúc thực".

Các nhà báo tác nghiệp. Ảnh: Nhật Nam

Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED Communication) mới đây cũng chia sẻ những điều tra về thực trạng cung cấp thông tin cho báo chí như: chỉ cung cấp khi nào có lợi, công khai nhưng chưa minh bạch (thông tin không đầy đủ hoặc chưa có giải thích dễ hiểu) và từ chối cung cấp thông tin. Đặc biệt, thông tin về chống tiêu cực trong quản lý tài chính, quản lý đất đai, chống xâm hại môi trường… luôn có tỉ lệ từ chối nhiều nhất.

Làm cách nào đây để nắm được những diễn biến từ bên trong sự kiện? Nhà báo lại chọn cách nhập vai! Tuy nhiên, vấn đề phải bàn thảo là bởi trong rất nhiều hoạt động nhập vai, nhà báo đã đặt mình vào ranh giới mong manh giữa phương pháp tác nghiệp với hành vi vi phạm pháp luật, hoặc tình huống  nguy hiểm…

2. "Bảo bối" cuối cùng

Đại diện Diễn đàn Nhà báo trẻ đã đặt ra 10 câu hỏi, cũng là 10 vấn đề mà phóng viên điều tra nhập vai gặp phải? Tất cả đều là những câu hỏi quan trọng. Phóng viên điều tra có thể nhập vai đến đâu? Hành vi như thế nào là vượt quá giới hạn? Vai trò của tòa soạn trong việc phóng viên nhập vai? Khả năng bảo vệ phóng viên của pháp luật hiện nay? Khi đã vượt qua ranh giới, phóng viên cần làm gì?...

Đáp lại phần nào những câu hỏi này, nhà báo Đức Hiển, Tổng Thư ký tòa soạn Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh nêu một "bộ" nguyên tắc. Đó là, chỉ nhập vai khi đây là cách tốt nhất để thu thập thông tin, bảo đảm bài viết có tính thuyết phục cao nhất; Kế hoạch nhập vai phải được sự đồng ý của cấp cao nhất (Tổng biên tập); Không tác động vào sự vật, hiện tượng khiến nó thay đổi bản chất cũng như không thúc đẩy sự kiện diễn ra hoặc khiến nó diễn ra sớm hơn bình thường; Không gài bẫy, gợi ý đối tượng vi phạm; Tòa soạn bảo đảm có phương án can thiệp lập tức và hiệu quả khi phóng viên gặp nguy hiểm, luôn đề phòng tình huống phóng viên bị gài bẫy ngược… Những nội dung này đã nhận được sự đồng tình, chia sẻ của nhiều đại biểu tại hội thảo "Báo chí điều tra và lợi ích công". Và thực tế, cuốn cẩm nang dạy nghề của Đại học Missouri đã không chỉ nêu những lợi thế độc quyền của kiểu quan sát thâm nhập. Nó nhắc nhở các nhà báo "đừng nhúng tay quá sâu đến mức chính bạn làm thay đổi tình huống của sự kiện mà mình đang quan sát". Một cách hình ảnh là "bạn có thể đóng kịch nhưng đừng làm diễn viên ngôi sao". Và hơn thế, "kỹ thuật quan sát thâm nhập chỉ phát huy hiệu quả tốt nhất khi bổ sung cho các kỹ thuật truyền thống như phỏng vấn và nghiên cứu tài liệu". Thậm chí, các nhà báo của Mỹ cũng rất cân nhắc tới những rủi ro về thông tin bởi "cái nhìn khi bạn sống trong môi trường đó hai tuần lễ sẽ khác hẳn khi bạn phải sống trong đó hai năm hay cả cuộc đời"…

Nghĩa là thứ vũ khí nhập vai này sẽ không ngại ngần phát huy tác dụng ngược nếu nhà báo dùng không đúng cách hoặc đơn giản là sơ sẩy.

3. Lợi ích công và quyền miễn trừ

Hoạt động báo chí nói chung và bài viết của nhà báo nói riêng ít nhiều mang lại những lợi ích thiết thân cho cộng đồng. Nhưng theo những nghiên cứu của RED Communication thì hiện chưa có một định nghĩa chi tiết nào về "lợi ích công" trong báo chí ở nước ta. Điều này liên quan ngược trở lại tới vấn đề thu thập thông tin của nhà báo, rồi câu chuyện điều tra nhập vai… Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Pháp luật - Chính sách, Cục Báo chí, Bộ TT-TT thì: "Trên thực tế, khi phản ánh những sự việc ảnh hưởng lớn đến lợi ích công và tình hình an ninh trật tự xã hội như hỏa hoạn tại các siêu thị, chung cư, sập nhà… các nhà báo vẫn rất khó tác nghiệp, bị cản trở"… Bên cạnh đó, vấn đề lợi ích công cũng cùng lúc liên quan tới quyền miễn trừ của nhà báo. Nhà báo Đoan Trang, Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh nêu "Quyền miễn trừ cho nhà báo là khái niệm chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam, song đã có mặt trong hệ thống luật pháp của nhiều nước như Mỹ, Anh, Phần Lan, Úc, Philippines…". Cũng theo nhà báo Đoan Trang thì trong những trường hợp nhất định, khi tác nghiệp vì lợi ích công (và không được cẩu thả) nhà báo các nước này có thể được hưởng những quyền miễn trừ toàn phần hoặc bán phần với sự bảo vệ của pháp luật.

Giải thích các khái niệm mới và luật hóa chúng trong hoạt động nghiệp vụ báo chí là mong mỏi của hết thảy những người làm nghề. Nhưng bên cạnh đó, để lên đường tác nghiệp mỗi ngày, nhà báo cũng phải tự trang bị cho mình đủ kiến thức pháp luật và những "bộ" nguyên tắc, đặc biệt với hoạt động tác nghiệp nhiều rủi ro như điều tra nhập vai.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tác nghiệp mạo hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.