(HNMCT) - Tích cực trau dồi và sáng tạo, trong năm qua, đội ngũ những người viết văn trẻ đã được khẳng định qua các cuộc thi sáng tác văn học và các cuốn sách được xuất bản.
Không khí sôi động
Năm qua, lực lượng viết văn trẻ có sự xuất hiện khá ấn tượng của các tác giả như Đinh Phương, Lữ Mai, Lý Hữu Lương, Nguyễn Phú, Nguyễn Thị Kim Nhung, Hiền Trang, Đức Anh, Nhật Phi, Nguyên Như, Cao Nguyệt Nguyên… với những tác phẩm chững chạc.
Có thể kể đến tiểu thuyết “Nắng Thổ Tang” của Đinh Phương được vinh danh trong Giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ I của Hội Nhà văn Việt Nam. Tiếp đó anh giành giải B, cuộc thi viết “Trang sách tôi yêu” ở thể loại truyện ngắn do NXB Giáo dục tổ chức. Cũng trong cuộc thi này, Nguyễn Phú và Lữ Mai đạt giải C ở thể loại truyện ngắn…
Nhà văn trẻ Đức Anh trình làng loạt tác phẩm khá ấn tượng như “Thiên thần mù sương”, “Tường lửa”, “Đảo bạo bệnh” theo dòng trinh thám. Nhiều bạn đọc và một số nhà phê bình văn học trẻ đánh giá, Đức Anh đã dám bước đi trên con đường lẻ loi và gian nan.
Tác giả Nguyên Như, mới xuất bản tập thơ “Lưng lửng hồn”, tích cực khẳng định lối đi riêng với cách viết khá mới. Nguyên Như bày tỏ: “Tôi mới viết được vài năm. Tôi yêu gia đình tôi, quê hương tôi và đất nước Việt Nam này! Tôi chỉ muốn sáng tác của tôi và của các bạn trẻ như tôi cùng với sáng tác của các lớp nhà văn đi trước phải làm sao cho bạn đọc yêu gia đình, những người ruột thịt của mình, yêu quê hương, đất nước, yêu cái đẹp, cái thiện và góp phần làm cho Tổ quốc đẹp giàu hơn”.
Muốn có lối đi riêng, người viết phải thật sự sáng tạo, trăn trở, căng mình ra cho những ý tưởng mới, chất giọng mới. Khi có được chất giọng mới và không lẫn với ai là đã thành công một phần. Trong quá trình sáng tác và giao lưu, nhiều tác giả, nhà văn trẻ đã và đang khẳng định mình bằng nỗ lực thâm nhập sâu vào thực tế, nghĩ đến những chủ đề trong tương lai. Đó là quá trình họ khám phá khả năng bản thân và định hình nên một dáng vóc tác giả.
Hiện nay, trên cả nước, tác giả thơ trẻ cực kỳ đông đảo, nhưng phần nhiều chỉ làm để thỏa mãn thú vui của mình và dừng ở đó. Đối với lực lượng sáng tác nghiêm túc, họ luôn mở cho mình những trường liên cảm mới, những không gian khám phá mới để phục vụ việc sáng tác. Dù đến nay vẫn chưa xuất hiện sự đột phá mãnh liệt, nhưng cũng đã hiện rõ những tác giả trẻ có khả năng đột chuyển.
Tăng tính kỷ luật để có được tác phẩm tốt
Từ cuối năm 2022 đến năm 2024, rất nhiều cuộc thi văn chương được phát động, tạo sân chơi cho người viết văn nói chung và lực lượng viết văn trẻ nói riêng. Nhà thơ Đặng Thiên Sơn, người sáng lập Công ty Tinhvanbook, chia sẻ: “Sân chơi cho người viết văn trẻ hiện rất rộng. Người viết cần tăng tính chuyên nghiệp, tính kỷ luật trong sáng tạo để có được những tác phẩm chất lượng cao”.
Còn tác giả Đức Anh thì cho rằng, để có tác phẩm tốt, người viết phải có một thế giới mộng tưởng riêng, một dấu vết riêng. Văn chương là một vết nứt hẹp trên một tường ngăn, nhà văn nhìn cuộc đời qua vết nứt ấy, nửa chủ ý, nửa tình cờ và phát hiện ra những điều mà không ai khác có thể nhìn ra. Hiện tại, văn chương Việt có nhiệm vụ kích hoạt nội lực văn hóa còn tiềm tàng. Sự liên kết giữa những người viết thực sự quan trọng, nhằm tạo ra một nền văn chương khỏe khoắn. Để đi được đường dài, Đức Anh luôn đẩy mình vào chỗ không còn đường lui. Anh đã phải đánh cược danh tiếng và chấp nhận rủi ro. Vì vậy, Đức Anh buộc phải cải thiện chất lượng, sắp xếp đời sống, kỷ luật viết lách hằng ngày. Trong năm 2023, Đức Anh sẽ cho ra mắt cuốn tiểu thuyết “Sống hai cuộc đời” kể về những phân kỳ trong căn tính người.
Tác giả Nguyệt Chu vẫn bền bỉ sáng tác dòng truyện lịch sử, xã hội ăm ắp cảm xúc. Đó là những câu chuyện về cuộc sống gia đình, làng xóm, quê hương thân thuộc, những mảnh đời xung quanh chị, hạnh phúc có mà đau khổ cũng nhiều; đó là không gian gần gũi hằng ngày mà chúng ta đang sống.
Còn tác giả Cao Nguyệt Nguyên vừa viết tiểu thuyết vừa sáng tác cho thiếu nhi. Với chị, viết cho thiếu nhi luôn là điều cần thiết; từ những cuốn sách, câu chuyện, chúng ta dần đưa các em trở về thế giới xưa, hiểu được truyền thống văn hóa quý báu. “Tôi nghĩ sáng tác cho các con cần nhìn bằng con mắt trẻ thơ, hiểu chúng muốn gì. Một thế giới tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên nhưng vẫn mang bản sắc văn hóa Việt Nam. Đó là một điều khó” - tác giả Cao Nguyệt Nguyên chia sẻ.
Các tác giả trẻ đang tích cực trau dồi, học hỏi, thực hiện kế hoạch sáng tác trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Đó là cách để họ góp phần làm nên sức sống của nền văn chương và giúp độc giả được thưởng thức những tác phẩm văn học chất lượng cao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.