(HNMCT) - Dành trọn cuộc đời vì nước, vì dân, tận tâm tận lực cống hiến cho dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là vị lãnh đạo kính yêu của nhân dân Việt Nam mà nhiều nhà chính trị, văn hóa, nghệ sĩ trên thế giới đã hết lời ca ngợi Người như một nhân vật kiệt xuất, một tấm gương lớn về nhân cách hoàn thiện.
Theo thống kê chưa đầy đủ, có hơn 200 cuốn sách, công trình nghiên cứu cùng hàng ngàn bài báo của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa... trên thế giới viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong số đó, đáng chú ý là nhà báo Jean Lacouture - cây bút đại thụ của làng báo chí Pháp, người luôn sát cánh với Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến giành lại hòa bình, độc lập. Mối duyên của ông Jean Lacouture với Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu từ khi ông được cử làm tùy viên báo chí của tướng Philippe Leclerc de Hauteclocque - Tổng tư lệnh đạo quân viễn chinh nhằm áp đặt lại nền đô hộ của Pháp lên Đông Dương. Chỉ sau hai lần gặp Bác Hồ vào năm 1946, Jean Lacouture đã có ấn tượng vô cùng tốt đẹp về Người. Hai lần gặp ấy cũng đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp viết lách của nhà báo người Pháp khi ông tự nguyện làm một cây bút dấn thân hết mình vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.
Hai năm sau khi cuốn sách Việt Nam giữa hai nền hòa bình được Nhà xuất bản Le Seuil ấn hành năm 1965, Jean Lacouture tiếp tục hoàn thành cuốn Hồ Chí Minh. Nhà xuất bản Le Seuil đã ấn hành tác phẩm này năm 1967 và được tái bản năm 1976. Jean Lacouture từng thổ lộ, ông không thể không viết về một người ông hằng khâm phục. Tư liệu trong cuốn sách được Jean Lacouture trình bày khéo léo, mạch lạc, điểm xuyết những điều mắt thấy tai nghe cùng những nhận xét và kiến giải mang dấu ấn cá nhân. Chẳng hạn trong cách Jean Lacouture phân tích vì sao nhân dân Việt Nam quý yêu và trân trọng gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là Bác - Bác Hồ; vì sao bất kỳ ở đâu hễ Bác Hồ xuất hiện thì cũng đều vang lên, bật ra từ trái tim những người có mặt, lời hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” như Jean Lacouture nhiều lần chứng kiến... Theo nhà báo Pháp, chính khát vọng mạnh mẽ muốn thuyết phục nhân dân, muốn đi thẳng vào con tim của quần chúng khiến Người luôn dùng lời lẽ phổ thông, giản dị nhất để nói với quần chúng...
Cuốn sách đáng chú ý khác là Hồ Chí Minh, một nhà tư tưởng của Giáo sư Nhật Bản Singo Sibata, xuất bản năm 1972. Ông chứng minh rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà lý luận tài giỏi trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, tư tưởng... Tác giả khẳng định: “Những cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực sự mở ra một giai đoạn mới trong những lý luận về dân tộc và thuộc địa”. Điều này không chỉ có ý nghĩa đối với cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc trong quá khứ, mà còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng đất nước ngày nay. Bởi vì các dân tộc luôn đứng trước nguy cơ chủ nghĩa thực dân mới tìm mọi cách, với nhiều hình thức khác nhau, như thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, mượn danh nghĩa những vấn đề về “nhân quyền” để xâm phạm chủ quyền dân tộc các nước, tăng cường sức ép về kinh tế, chính trị, quân sự, thậm chí khoác áo “chống khủng bố quốc tế” để tiến hành chiến tranh xâm lược. Từ đó, Giáo sư Singo Sibata kết luận: Sự am hiểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa xã hội... rất sâu sắc và Người thực sự đã đóng góp cho cách mạng thế giới.
Tại Mỹ, ngày 28-11-2001, Nhà xuất bản New York cho ra mắt cuốn sách dày 704 trang Hồ Chí Minh - một cuộc đời của tác giả William J.Duiker. Nhà sử học người Mỹ này đã từng phục vụ tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trong thời gian chiến tranh Việt Nam và đã dành hơn 30 năm nghiên cứu về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để hoàn thành tác phẩm, W.Duiker đã đọc và gặp gỡ những tác giả đi trước, những nhân chứng, những người cầm bút ở Mỹ, châu Âu, Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản... Trong cuốn sách, tác giả mô tả Bác Hồ là “một chiến lược gia bậc thầy” và “là một trong những chính trị gia có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ XX”. W.Duiker kể lại một cách chi tiết và hấp dẫn những sự kiện quan trọng liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh trong năm 1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng và cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1945 đến 1954. Theo nhiều nhà bình luận, cuốn tiểu sử dài và rất chi tiết này không dành cho những người đọc bình thường, nhưng với bất kỳ ai quan tâm một cách nghiêm túc đến lịch sử hiện đại sẽ say mê với lối kể chuyện một cách dồn dập của W. Duiker về sự nghiệp của một vĩ nhân và cách thức Người giải quyết những vấn đề khó khăn trên con đường đi tìm độc lập, tự do cho đất nước mình. Cuốn sách này đã được Thời báo New York coi là cuốn sách danh giá, nằm trong số sách hay nhất của năm do Los Angeles Times bình chọn.
Đã 51 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về cõi vĩnh hằng, nhưng rõ ràng Người vẫn còn sống mãi trong lòng người dân Việt Nam và thế giới vẫn luôn muốn giải mã về vĩ nhân gắn với chiến thắng của một dân tộc nhỏ bé mà kiên cường bên bờ Biển Đông. Bởi cuộc đời hoạt động và sự nghiệp vĩ đại của Người là tấm gương cao đẹp tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn, là kết tinh những tư tưởng, tình cảm và ước mơ lớn của nhân loại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.