Ta mở cửa, biết sông Hồng thao thức, đã nghe xuân đến bên thềm. Tờ lịch năm 2010 vừa giở ra trang đầu tiên. Lắng lòng lại, biết Hà Nội đã đi qua 365 ngày với đầy quyết tâm và trăn trở.
365 ngày cho một Hà Nội đang gồng mình lên mà chạy đua với thời gian, để gắng làm được nhiều điều ý nghĩa hơn mừng Thăng Long ngàn tuổi, đâu phải dễ dàng.
365 ngày cho một Thủ đô vừa mở rộng với bộn bề những lo toan, sắp xếp để gắng mà xứng với niềm tin yêu của cả nước, đâu phải chuyện giản đơn.
365 ngày cho một thành phố vừa gắng để giữ được nhịp độ tăng trưởng ổn định trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, vừa day dứt giữ sao cho được nét thanh lịch của người đất Kinh kỳ, cũng đâu phải chuyện thường tình.
Cầu Thanh Trì, một công trình giao thông đẹp và hiện đại của Thủ đô. Ảnh: Anh Tôn
365 ngày của năm 2009, Hà Nội đã đi những bước cẩn trọng để hôm nay bước sang ngày đầu tiên của năm 2010, Hà Nội biết mình đã làm được gì, cần làm những gì cho thành phố mai sau.
Hãy trở lại với những gì Hà Nội đã làm cho ngày mừng Thăng Long ngàn tuổi. Vẫn còn đây “Thăng Long tứ trấn” với các ngôi đền Quán Thánh (Bắc), Kim Liên (Nam), Bạch Mã (Đông), Voi Phục (Tây) luôn phảng phất chút trầm lắng của một cõi tâm linh giữa xao xác đời thường. “Thăng Long tứ trấn” dẫu trải qua bao thăng trầm, vẫn có nhiều nét cổ sơ. “Thăng Long tứ trấn” bây giờ dẫu có nơi bị ken kín trong lô xô nhà cửa, nhưng chưa bao giờ thiếu đi cái kính tâm của mọi cấp, mọi thời. Giữa lao xao phố xá vẫn còn nguyên nét u tịch ngàn đời.
Những Loa thành, Tượng Thánh Gióng, Tượng đài Lý Thái Tổ, một bến sông xưa, một phố nghề, một cửa ô như đang sống lại ngày xưa một thời.
Hồ thoát nước Yên Sở, Công viên Hòa Bình... những công trình mới đang hình thành, hy vọng sẽ điểm tô thêm cho Thăng Long ngàn tuổi.
Nhưng, người Hà Nội, người Việt Nam, người nước ngoài có tình với Hà Nội còn biết thêm về Thăng Long - Hà Nội qua nhiều cuốn sách, nhiều công trình nghiên cứu khoa học được giới thiệu trong các bộ sách viết về thành phố ngàn năm tuổi. Cả một trang web mang tên “Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến” khai trương dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, thực sự là một dấu ấn với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Hà Nội đã gắng rất nhiều. Cả nước đã chung lòng, chung sức với Hà Nội trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật chuẩn bị chào đón những ngày Thăng Long ngàn tuổi. Ai cũng đang tự nhắc mình, ta làm gì không thẹn với cha ông?
Hãy trở lại với những gì Hà Nội đã làm cho một Thủ đô mở rộng. 5 tháng sau ngày mở rộng, tất cả với Hà Nội phải là ổn định để gắng mà thực hiện cho được kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009.
Vẫn phải bắt đầu từ công tác tổ chức và cán bộ. Luân chuyển, sắp xếp lại theo nhu cầu của công tác cán bộ, khó rồi cũng gỡ dần ra, điều quan trọng là người cầm lái từ cấp cơ sở đến thành phố đã dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chưa phải tất cả đã thực sự hoàn hảo. Chưa phải tất cả đã thực sự vui vẻ khi quyền lợi cá nhân xem ra ít nhiều bị ảnh hưởng. Nhưng, qua sóng cả mới tìm ra những tay chèo vững, qua thử thách bằng công việc mới nhận ra ai còn là công bộc của dân. Những ngày trở gió, Hà Nội mới nhận rõ hơn, tìm được ra ai là người dám “nghênh diện thu phong trận trận hàn”.
Những ngày mở rộng, ồn lên chuyện Hà Nội nhiều sân golf nhất cả nước, ồn lên chuyện Hà Nội với hàng trăm dự án treo, rồi cả chuyện người ta định khai tử “Trung tâm tinh giống Môn-ca-đa, Trung tâm Bò sữa Ba Vì… Hà Nội đã lắng nghe. Thận trọng và quyết liệt, những chuyện ồn ã lên lại giúp cho Hà Nội làm thêm được nhiều việc tốt hơn. Đất trồng lúa, bờ xôi ruộng mật vẫn còn, khu du lịch được quy hoạch hợp lý dần. Nhưng, cái lớn hơn chính là lòng dân có bề đã thuận.
Những ngày mở rộng, chợt chạnh lòng vì Hà Nội vẫn còn những làng, xã chưa biết thế nào là ánh điện. Hà Nội thêm những vùng đất mới của bà con các dân tộc ít người. Bà con mong muốn, tự hào mình đã trở thành người Thủ đô. Hà Nội sẽ làm gì đáp lại sự kỳ vọng ấy? Điện đã kéo về Yên Trung sau ít ngày mở rộng, nếp nhà của người Dao, người Mường Hà Nội hôm nay đã rộn hơn tiếng cười con trẻ, đẹp hơn tấm áo mẹ già.
Những ngày mở rộng, bài toán cho con số hộ nghèo của Hà Nội đâu chỉ là những đợt hỗ trợ mùa bão lũ, ngày đông giá, Hà Nội chọn cho mình cái gốc của thực tế để các ngành chức năng biết đầu tư gì cho mục tiêu phát triển ngày mai. Đã thêm những vùng lúa, vùng hoa, vùng chè được quy hoạch và bước đầu được chăm chút, đầu tư. Các vấn đề xã hội xuất phát từ sự mất cân đối ấy đã được nhận ra, được dần khắc phục.
365 ngày cho một thành phố phải chọn cho mình bước đi thích hợp, không sốc cho sự phát triển của mình, khi mà cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã dội về. Không đơn độc, Hà Nội đã nhận được sự giúp đỡ từ Chính phủ. Các doanh nghiệp từ Trung ương đóng trên địa bàn đến doanh nghiệp thuộc thành phố đều được các ngành chức năng của Hà Nội hỗ trợ tối đa về mọi mặt để sớm nhận được những đồng vốn quý báu của Trung ương. Hà Nội đã đi lên trong thử thách. Các doanh nghiệp Hà Nội đã gồng mình lên mà xoay xở đủ chiều, vừa lo cho doanh nghiệp tồn tại vừa lo định hướng ngày mai. Thế mới hiểu sức dân là tất cả.
365 ngày giữ cho thành phố ổn định về mọi mặt đâu phải dễ. Hà Nội đã dám cắt bỏ nhanh những ung nhọt nẩy sinh, bám rễ trong cơ chế thị trường này. Một loạt các công tình xây dựng trái phép, quá phép đã bị dỡ bỏ. Có ý kiến bảo rằng, Hà Nội làm thế là lãng phí của cải vật chất xã hội. Không, Hà Nội đã loại bỏ đi những thứ dám ngang nhiên được đặt lên trên pháp luật.
365 ngày cho một thành phố phát triển về mọi mặt, Hà Nội nhận ra điều mình cần hơn, chính là văn hóa. Lời khẳng định của đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng chính là mong muốn của bao thế hệ người Hà Nội đã từng “Ra đi đầu không ngoảnh lại, sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”, về một Hà Nội hào hoa, bởi “với Hà Nội có lẽ không nhất thiết phải phấn đấu dẫn đầu về mặt kinh tế, mặc dù cũng rất cần chú trọng phát triển kinh tế.Cái Hà Nội cần có, chính là phải mạnh, phải dẫn đầu về văn hóa, mà văn hóa ở đây hiểu theo nghĩa rộng là cuộc sống, là lối sống, là trật tự kỉ cương, là văn minh, là thanh lịch, là hiện đại”.
Đã ai tự vấn mình: Ta học hỏi gì để không thẹn với cha ông?
Nhưng, Hà Nội không chấp nhận sự thiếu hụt về văn hóa. Trật tự kỷ cương phải được lập lại, cái văn minh, thanh lịch phải được lập lại.
Đã có một người khách nước ngoài làm việc tại Hà Nội in tấm danh thiếp của mình trên nền là những dòng chữ quảng cáo ông chụp được trên nhiều con phố, cây cột điện của Thủ đô. Người Hà Nội đã nhận ra điều ấy.
Hà Nội không thiếu những khu phố nhà mỗi người dân coi như của nhà mình, nên cũng đã nhiều năm qua không xuất hiện dù chỉ một lần những quảng cáo khoan cắt bê tông, hút bể phốt, gia sư… được in và dán đầy ngõ phố. Hà Nội đã làm đẹp cho ngày Thăng Long ngàn tuổi bằng các biện pháp vận động thuyết phục, xử lý hành chính một cách cương quyết để quét cho sạch thứ rác bẩn này.
Đây đó còn không ít người Hà Nội hôm nay chưa bỏ được thói quen vứt rác ra đường. Hà Nội đang quyết tâm chấn chỉnh và tẩy trừ thói quen này. Có lẽ chưa bao giờ các cấp ủy Đảng, chính quyền toàn thành phố lại tỏ rõ quyết tâm nhập cuộc đấu tranh với tệ đổ rác bừa bãi ra đường, bôi bẩn trên tường, trên cột điện như hiện nay. Cho ngày Thăng Long ngàn tuổi, tin rằng bộ mặt thành phố sẽ sáng đẹp hơn.
Câu hỏi người Hà Nội thanh lịch còn không, dường như ám ảnh bao người đã trót nặng lòng về Hà Nội. Không biết cho đến ngày nào, từ các cấp học mầm non, mẫu giáo đến đại học, rồi ngay tại các cơ quan, nơi công cộng, ta bớt phải nghe những câu nói tục, chửi thề? Cái thanh lịch trong lời ăn tiếng nói người Hà Nội sao cứ mất dần theo sự xô bồ của cuộc sống? Cho ngày Thăng Long ngàn tuổi, Hà Nội có nên làm cuộc vận động lớn này?
365 ngày của năm 2009, Hà Nội đã đi những bước cẩn trọng để biết mình chưa thẹn với cha ông.
Tờ lịch mới đã giở. Thăng Long ngàn tuổi vững âu vàng. Hà Nội sẽ bước vào năm 2010 với những thời cơ và thách thức mới. Những đại hội Đảng từ các cấp sẽ là cuộc chọn lựa tinh tường nhất về một thế hệ cán bộ mới cho hôm nay và cả ngày mai.
Ta mở cửa, biết sông Hồng thao thức, đã nghe Xuân đến bên thềm…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.