Theo dõi Báo Hànộimới trên

Syria: Vết trượt khó kiểm soát

Trung Hiếu| 09/08/2011 06:38

(HNM) - Cuộc xung đột tại Syria đang xuất hiện ngày càng nhiều dấu hiệu khó kiểm soát.

Bạo động đã lên đỉnh điểm khi các lực lượng an ninh Syria, được sự hỗ trợ của xe tăng, đã đụng độ với những người biểu tình ủng hộ phe đối lập trong 48 giờ qua tại một số thành phố và thị trấn, khiến khoảng 80 người biểu tình thiệt mạng. Tổng thống Syria Al-Assad cho rằng, hành động của các lực lượng an ninh là "nhằm vào những kẻ sống ngoài vòng pháp luật".

Biểu tình tại thành phố Idlib, Syria.

Nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã phản ứng gay gắt trước những gì đang diễn ra tại quốc gia Trung Đông này. Tổng Thư ký Liên đoàn Arập (AL) Nabil Al-Arabi lên tiếng kêu gọi chính quyền Syria ngay lập tức chấm dứt bạo lực và các chiến dịch nhằm vào người biểu tình. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực nghiêm trọng đang diễn ra; đồng thời kêu gọi Chính phủ Syria bảo đảm an ninh cho các nhân viên Liên hợp quốc. Mỹ, Pháp và Đức dự định sẽ cùng hành động trước những diễn biến tại Syria...

Đây không phải là lần đầu tiên, chính phủ của Tổng thống Al-Assad vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế trước hành động cứng rắn nhằm vào người biểu tình. Hồi đầu tháng 8 này, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên bố chủ tịch về Syria, trong đó lên án nhà chức trách nước này sử dụng vũ lực chống dân thường; đồng thời kêu gọi các bên chấm dứt bạo lực. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, nếu chỉ lên án mà không tìm căn nguyên giải quyết vấn đề thì bế tắc vẫn chưa thể khai thông. Chính quyền Damascus tuyên bố sẽ tiến hành bầu cử "tự do và công bằng" vào cuối năm nay và Quốc hội mới sẽ đại diện cho khát vọng của người dân Syria sẽ chịu trách nhiệm xem lại các luật đã được thông qua; đồng thời đẩy nhanh quá trình cải cách… Nhưng như vậy chưa đủ để ngăn phe đối lập kêu gọi người biểu tình tiếp tục xuống đường. Trước đó, cuối tháng 7-2011, nội các Syria đã tán thành dự luật bầu cử mới như một phần trong chương trình cải cách của chính phủ nhằm giải quyết tình trạng bất ổn kéo dài, nhưng tất cả vẫn chưa thỏa mãn yêu cầu của phe đối lập.

Dư luận Syria và khu vực cho rằng sự can thiệp và hậu thuẫn từ bên ngoài vào nội bộ quốc gia Trung Đông này đang khiến tình hình ngày càng khó kiểm soát. Trong khi đó, Syria đã lên tiếng cáo buộc sự bất ổn đang diễn ra bắt nguồn từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Ngay từ khi nổ ra các cuộc biểu tình hồi tháng 3-2011, các phương tiện truyền thông của Mỹ, Anh và Pháp đã ra sức cổ vũ và thúc đẩy sự lãnh đạo của lực lượng đối lập tại Syria. Damascus cho đây là một chiến dịch nhằm tách Syria khỏi liên minh với Iran và ủng hộ xu hướng thân phương Tây. Mới đây, ngày 4-8, Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney công khai tuyên bố rằng, Mỹ không còn muốn Tổng thống Al-Assad tại nhiệm để ổn định nước này, đồng thời coi ông Al-Assad là "nguyên nhân của sự bất ổn".

So với Lybia ở Bắc Phi, quốc gia Trung Đông khoảng 20 triệu dân này có những khác biệt. Đó là vị thế địa - chiến lược của Syria tại Trung Đông; có đường biên giới với Israel, Lebanon và Iraq; đồng thời là đồng minh của Iran. Thế nên, mọi bất ổn tại Syria đều có thể tác động lớn đến khu vực. Vì thế, phương Tây khó có thể chọn phương án giải quyết như với quốc gia Bắc Phi. Mọi gây hấn với Damascus sẽ vấp phải phản ứng từ các đồng minh của Syria là Iran, Hezbollah ở Lebanon, các nhóm Palestine có căn cứ tại Damascus. Tất cả đã tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ chính quyền Al-Assad.

Do đó, bất kỳ sự can thiệp từ bên ngoài nào vào Syria sẽ càng khiến tình hình khó kiểm soát. Từ khi các vụ biểu tình, chống đối chính phủ bùng phát (3-2011) tại Syria, đã có hơn 2.000 người thiệt mạng. Dư luận lo ngại rằng, con số này sẽ tăng thêm khi chính phủ và phe đối lập chưa tìm được tiếng nói chung để ổn định đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Syria: Vết trượt khó kiểm soát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.