Theo dõi Báo Hànộimới trên

Suy thoái nặng nề do dịch, thị trường ô tô thoi thóp nhờ ''đại hạ giá''

Nguyễn Thúc Hoàng Linh| 12/07/2021 16:20

(HNMO) - Khó khăn chồng chất do dịch bệnh tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường ô tô trong nước, tháng vừa qua chứng kiến hàng loạt biện pháp ứng phó đầy táo bạo nhưng chưa thể giúp kết quả kinh doanh trở lại ngưỡng tăng trưởng.

Giá của Fadil hiện nay chỉ bằng một nửa thời điểm ra mắt.

Cụ thể, báo cáo kết quả kinh doanh công bố ngày 12-7 của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, các thành viên đã bán 23.587 ô tô trong tháng 7-2021, giảm 18% so với tháng 5-2021. Thực tế này nối dài chuỗi lao dốc của thị trường, vốn đã sụt giảm tới 15% trong tháng trước đó. 

Trong báo cáo công bố cùng ngày, TC Motor - nhà lắp ráp và phân phối xe Hyundai tại Việt Nam thông báo chỉ bán được 5.558 xe, thấp hơn đáng kể so với con số 6.053 xe của tháng 5. Mức suy giảm 9% này cũng cao hơn so với con số “âm” 7,5% của tháng trước. 

Để tồn tại trong giai đoạn khó khăn, các thương hiệu chọn cách ưu đãi hết mức có thể. Điều này thể hiện rõ nét trên các mẫu sản phẩm của VinFast, thậm chí giúp Fadil giữ vị trí sản phẩm bán chạy nhất thị trường trong tháng thứ hai liên tiếp với 2.552 xe bán ra. Đầu tháng 7, giá của chiếc hatchback đô thị cỡ nhỏ chỉ còn khoảng 260 triệu đồng sau khi trừ khuyến mại - tức chỉ còn một nửa so với thời điểm ra mắt.

Tương tự, giá khởi điểm của Lux SA 2.0 hiện cũng chỉ còn 1,1 tỷ đồng, thấp hơn hàng trăm triệu đồng so với mức niêm yết 1,552 tỷ đồng. Giảm giá bạo tay là nguyên nhân chính giúp VinFast “lội ngược dòng” để đạt tăng trưởng doanh số tới 23% so với tháng 5-2021 - tương đương 3.517 ô tô bán ra. 

Không riêng Vinfast, giảm giá cũng được nhiều nhà sản xuất áp dụng trong giai đoạn khó khăn hiện nay, dù mức giảm khiêm tốn hơn nhiều. Toyota thậm chí giảm giá 30 triệu đồng (tới hết 31-7) cho Vios thông qua hình thức hỗ trợ phí trước bạ. Nếu mua xe thông qua công ty tài chính Toyota, bên cạnh lãi suất ưu đãi 6 tháng đầu, khách hàng còn chỉ phải thanh toán trước 95 triệu đồng là đã có thể sở hữu Vios. Nhờ vậy mẫu xe bán chạy bậc nhất của thương hiệu Nhật Bản đã cán đích với 2.014 xe, vượt qua Hyundai Accent (1.371 xe). 

Vị trí thứ tư trên thị trường trong tháng này cũng thuộc về một mẫu xe được giảm giá mạnh: KIA Cerato (1.325 xe). Trong suốt tháng 6, mức hỗ trợ của chiếc sedan hạng C này lên tới 45-65 triệu đồng tùy từng phiên bản, đồng nghĩa giá của xe chỉ ngang với Toyota Vios hay Honda City - là những sản phẩm trong nhóm hạng B nhỏ và rẻ hơn. 

Bên cạnh các mẫu giảm giá, nhiều xe bán chạy tháng 6 là dòng xe vừa có phiên bản mới. Trong số này, nhận được chú ý hơn cả là Hyundai Santa Fe với 1.313 xe, ở vị trí thứ năm.

Trong khi đó, Honda City khởi sắc nhờ 802 xe tới tay khách hàng, góp phần đẩy bật Mitsubishi Xpander ra khỏi danh sách sản phẩm bán chạy. Ở các vị trí còn lại là Toyota Corolla Cross (985 xe, thứ sáu), Hyundai Grand i10 (983 xe, thứ bảy), KIA Seltos (971 xe, thứ tám), Ford Ranger (754 xe, thứ mười). 

Như vậy, tổng cộng người tiêu dùng trong nước đã mua khoảng 33.000 xe các loại trong tháng 6, giảm đáng kể so với 37.493 xe hồi tháng 5. Trong tháng 7, giới chuyên môn nhận định, tình trạng lao dốc của thị trường ô tô trong nước sẽ còn tiếp diễn, thậm chí nặng nề hơn - một phần do hai thị trường tiêu thụ chính là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đồng loạt áp dụng hàng loạt biện pháp phòng dịch mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Suy thoái nặng nề do dịch, thị trường ô tô thoi thóp nhờ ''đại hạ giá''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.