(HNM) - Nhê-va, 30 cây cầu vắt qua sông. Sóng gợn nhẹ, lặng thầm chảy ra Ban-tích. Chiến hạm Rạng Đông kiêu hãnh. Còn âm vang phát đại bác năm nào. Mở màn cuộc tiến công của giai cấp cần lao. Lật đổ Sa hoàng tàn bạo. Công nhân, nông dân được sống là NGƯỜI! Nhân loại sang trang sử mới!
34 năm sau cuộc cách mạng long trời lở đất, kẻ thù run sợ Liên Xô hùng mạnh. Đêm tháng 6 năm 1941, phát xít Đức bất ngờ đánh chiếm Liên Xô. Máu 20 triệu người Xô-viết thấm đất này suốt 4 năm ròng rã! Vẫn biết cái giá của chiến tranh quá đắt. Nhưng hy sinh để chặn đứng bạo tàn. Chặn đứng những dòng máu tiếp tục phải loang trên trái đất…
Năm 2015, tròn 70 năm bọn phát xít cuồng ngông bị Liên Xô và đồng minh đánh bại. Nhưng kẻ mưu toan gieo rắc chiến tranh vẫn lởn vởn đâu đây. Hỡi những ai muốn đánh đồng cuộc chiến, giữa một bên đau đáu mộng hòa bình với một bên muốn thống trị cả thế gian bằng sức mạnh đạn bom, vẫn chưa nhận ra đấy là ảo tưởng!
Hôm nay, máu lại đổ ở Xi-ri, Li-bi, I-rắc... Bao thương đau chụp xuống thường dân. Bọn tài phiệt đang trăm kế ngàn mưu dùng chiến tranh để giành giật tài nguyên, bắt nước nhỏ cúi đầu, lệ thuộc. Song thời đại này đâu dễ tung hoành khi nhân loại yêu hòa bình, luôn tỉnh táo giữ lương tri, nhân phẩm!
Cỏ phủ xanh các nấm mồ tập thể vô danh ở nghĩa trang Pi-ska-re-ven Mê-mô-ri-an, ngoại ô Xanh Pê-téc-bua, che mát một triệu rưỡi người đã ngã xuống trong 900 ngày đêm Hít-le hãm vây thành phố. Những con số xát muối lòng ta khi biết, khẩu phần ăn mỗi ngày chỉ có 200 gam mì cho một người dân; còn nước uống chắt chiu từng giọt… Kẻ thù đâu lường được sức chịu đựng phi thường của người dân bị dồn đến chân tường, đã nhất tề vùng lên tự vệ? Dưới đạn bom gào thét; giữa băng giá phủ dày, các nhà máy vẫn vận hành hối hả. Áo mặc và bánh mì cho binh sĩ. Vũ khí cho chiến trường… Ý chí thép cùng trí thông minh đã đánh tan quân giặc!
"Không ai bị lãng quên và không điều gì bị quên lãng" trong cuộc chiến khốc liệt giành và giữ sự sống thiêng liêng. Kẻ gieo gió đã phải hứng bão dông nhân loại! Dòng chữ khắc ghi trên tấm phù điêu bên bức tượng người mẹ hoành tráng hai tay căng tấm khăn vươn về phía trước, nhắc gửi con người hãy cảnh giác với chiến tranh!
Tôi đi thăm Hồng trường, lòng lâng lâng cảm xúc. Những phiến đá ở đây vẫn in dấu chân Hồng quân dự lễ duyệt binh năm 1941 mừng Cách mạng Tháng Mười. Từ đây, họ hùng dũng tiến ra mặt trận, đánh lùi các đợt tiến công. Hít-le hí hửng sẽ thần tốc chiếm Mát-xcơ-va trong phút chốc, nhưng đâu ngờ bị nếm đòn đau từ các mũi phản công của các cánh quân Xô-viết. Trong những đoàn quân ấy, có cả các chiến sĩ Việt Nam, tự nguyện tham gia bảo vệ thành quả Tháng Mười. Cây hữu nghị Việt-Xô được nảy mầm từ thời thương đau ấy. Ngàn lần tạc ghi công lao của nhân dân Xô-viết đã đánh bại Hít-le, cứu nhân loại vượt qua thảm họa; tạo thời cơ Việt Nam làm Cách mạng Tháng Tám thành công; chi viện sức của, sức người giúp ta đánh thắng hai cường quốc thực dân, đế quốc, giành độc lập và non sông thống nhất!
Lịch sử đã sang trang! Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia bước vào thời hội nhập, với thuận lợi riêng và thách đố riêng. Sự thủy chung cùng ý thức hợp tác, sẻ chia, là sức mạnh lớn lao của cả hai dân tộc!
Lịch sử càng sáng rõ: Mỗi dân tộc muốn sinh tồn và đi lên vững chãi đều chấp nhận trải qua những cơn đau vật vã. Phải chăng "liều thuốc" chấn hưng đất nước, tạo ra sức mạnh nội sinh, đã và đang cần khơi tầng sâu văn hóa?...
Mátxcơva - Hà Nội, tháng 9-2014
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.