(HNM) - “…Màn đêm chớm buông/ Trường Sa sáng lung linh giữa đại dương/ Màu xanh quê hương chen giữa phong ba, bàng vuông/ Đảo vẫn hiên ngang giữa muôn trùng sóng dữ/ Có sức người đảo bắt sóng vẽ hoa…” - khúc hát du dương của nữ ca sĩ Khánh Hòa cùng con tàu KN 490 vượt sóng đưa chúng tôi đến Trường Sa như vậy.
lung linh trong ánh điện lúc màn đêm buông xuống. Trường Sa hôm nay, căng đầy sức sống!
1. Lần đầu cùng đoàn công tác của TP Hà Nội đến với Trường Sa là chớm hè năm 2012. Sóng yên, biển lặng, chỉ có nắng và gió lao xao, ít ai có thể nghĩ rằng, nơi đây có tới 131 ngày bão mỗi năm và mỗi tháng có từ 13 đến 20 ngày gió mạnh. Nước ngọt là thứ rất hiếm, cho nên chỉ có các loại cây nước lợ, như: Phong ba, bàng vuông, muống biển và một số loài cỏ lau thân mềm, cỏ lá kim xuất hiện trên thảm thực vật ở quần đảo này. Do trên đảo chỉ có cát và san hô nên muốn có bát canh ngon hay trái quả ngọt, quân và dân nơi đây phải mang từng nắm đất ở đất liền cùng các khay nhựa để tăng gia sản xuất... Có chứng kiến cuộc sống của quân, dân huyện đảo, mới cảm nhận sâu sắc ca từ trong bài hát "Sức sống Trường Sa" (nhạc Nguyễn Hồng Sơn, thơ Đoàn Vũ Vinh): Nắng gió thiêu thịt da những ngày khát mưa/ Muối đắng môi cười thèm cọng rau xanh.
Ở thời điểm đó, Trường Sa thiếu thốn nhiều thứ, song niềm ao ước lớn nhất của quân và dân là có đủ nước, đủ rau xanh, đủ điện sinh hoạt trong bốn mùa... Với những ai từng được đến nơi này, khi ra về đều đeo đẳng mãi niềm ao ước ấy. Còn với mỗi thành viên, trong đó có chúng tôi, thì đây không chỉ là chuyến đi để trải nghiệm ngắm nhìn Tổ quốc từ biển, để thấu hiểu hơn biết bao công sức, nước mắt, mồ hôi và cả máu xương của cha anh đã đổ xuống cho sự trường tồn mãi mãi của Trường Sa, mà còn là sự nghiêm túc suy nghĩ về hai chữ “trách nhiệm". Để rồi, trong suốt những năm tháng qua, sự đeo đẳng đó đã biến thành những hành động thiết thực "Vì biển đảo quê hương", "Vì Trường Sa thân yêu"… của người dân đất Việt. Và đã có bao nhiêu chuyến tàu vượt sóng chở theo tình cảm của đất liền đến với Trường Sa, để tiếp thêm sức mạnh cho Trường Sa…
2. Sau 6 năm (tháng 4-2018), trở lại Trường Sa, đặt chân lên đảo Sinh Tồn Đông (nằm ở phía Bắc quần đảo), chúng tôi từ ngỡ ngàng này đến ngạc nhiên khác. Trước kia, nơi đây toàn nắng và gió biển là thế, nay được bao phủ bởi một màu xanh của nhiều loại cây, đặc biệt là cây bàng vuông đã sinh sôi nảy nở, đơm hoa kết trái, biến nơi đây thành "vựa" bàng vuông của huyện đảo. Không chỉ có màu xanh của trời, màu xanh của lá..., còn có những vườn hoa thanh niên đủ màu khoe sắc, rực rỡ như công viên trong đất liền. Không chỉ các loài cây nước lợ mà nay còn có sự hiện diện của hoa giấy đỏ thắm, tăng thêm sinh khí cho đảo.
Gần khuôn viên trung tâm của đảo là khu trồng rau khá rộng. Những chiếc khay nhựa chứa đất còn lại không đáng kể, thay vào đó là những luống rau được trồng theo hàng thẳng tắp. Phía trên có lưới che, chắn, ngăn không cho sóng biển tràn vào. Dưới bàn tay chăm sóc của chiến sĩ hải quân, những luống rau cải, mùng tơi xanh mơn mởn. Đại úy Đinh Ngọc Sang - Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông phấn khởi: "Sau những giờ tập luyện vất vả, thì trồng, chăm sóc rau và chăn nuôi là việc làm yêu thích của bộ đội". Ngoài nuôi lợn, giờ trên các đảo, trong đó có Sinh Tồn Đông còn nuôi thêm vịt. Đây là kết quả từ sự tâm huyết của Tiến sĩ Nguyễn Văn Duy và đồng nghiệp ở Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Hà Nội) đã khảo nghiệm và chọn lọc giống vịt mới, thích nghi với điều kiện sống ở môi trường nước mặn. Bữa ăn của bộ đội vì thế thường xuyên có rau xanh, thức ăn tươi.
Những khó khăn, vất vả dần vơi đi khi nhiều địa phương, đơn vị, trong đó TP Hà Nội đã mang tặng cho các đảo món quà quý giá - máy lọc nước biển thành nước ngọt. Theo thiết kế, mỗi chiếc máy sẽ biến 200 lít nước biển thành nước ngọt trong 1 giờ đồng hồ và nước này có thể uống trực tiếp. Máy có tuổi thọ 5 năm, việc vận hành và bảo dưỡng hết sức đơn giản, được các cán bộ, chiến sĩ dễ dàng thực hiện. "Với chúng tôi, đây là món quà vô cùng quý giá. Nỗi lo thiếu nước giờ không còn nữa; cuộc sống hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ sẽ tốt hơn lên", Đại úy Đinh Ngọc Sang chia sẻ.
Không chỉ là một Trường Sa sừng sững hiên ngang, trong mỗi chúng tôi, Trường Sa luôn tràn đầy sức sống mới. Khi màn đêm buông xuống, quần đảo tiền tiêu lung linh ánh điện. Khi bình minh thức dậy, Trường Sa náo nhiệt với cuộc sống thường nhật chẳng khác đất liền. Dù là đảo nổi hay đảo chìm, ở huyện đảo đâu đâu cũng có trụ điện, tua-bin gió và những tấm pin năng lượng mặt trời, cơ bản bảo đảm nguồn điện cung cấp cho sinh hoạt hằng ngày. Nhờ tình yêu, lòng quyết tâm của quân, dân và sự chung sức của cả nước mà rau vẫn xanh và hoa vẫn nở trên đá giữa biển khơi.
3. Ở huyện đảo Trường Sa, có những thầy giáo đã hy sinh tuổi trẻ của mình để ngày ngày lặng thầm "gieo chữ" cho các em nhỏ. Họ vừa là giáo viên, vừa là bảo mẫu, đồng thời là chiến sĩ góp phần canh giữ biển, đảo. Trong số đó, có thầy giáo trẻ Đồng Minh Hiệp - người đã viết đơn tình nguyện ra thị trấn Trường Sa dạy học. Điểm khác biệt duy nhất của các lớp học ở Trường Sa là học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đều học chung một lớp. Thầy Hiệp cùng đồng nghiệp đang đảm nhận dạy học cho 9 học sinh tiểu học và 3 cháu lớp mầm non.
Ở đảo không có nhiều hoạt động xã hội như trong đất liền. Bù lại, các em được thầy giáo chỉ dạy kỹ lưỡng về kỹ năng sống trong môi trường biển. Thầy giáo Đồng Minh Hiệp cho biết: "Ngoài việc học văn hóa, chúng tôi còn chú trọng bồi dưỡng lý tưởng, niềm tự hào dân tộc cũng như tình yêu biển, đảo cho các em". Bên cạnh đó, việc học ở Trường Sa luôn được quan tâm, trường học đã được xây dựng kiên cố (gồm 2 phòng học, 2 phòng công vụ, 1 phòng vui chơi và 1 thư viện), phục vụ cho việc học tập của các em. Những nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ giáo viên đã giúp học sinh tiến bộ, học lực không thua kém các bạn ở trong đất liền.
Được sự giới thiệu của thầy giáo Đồng Minh Hiệp, cô bé Lê Thị Khánh Linh (học sinh lớp 3, Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa) mạnh dạn đọc cho chúng tôi nghe bài thơ thật xúc động: Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển/ Những chuyến tàu quê hương/ Mang hơi ấm đất liền/... Yêu lắm chú bộ đội/ Dạy em hát em chơi/ Các bạn đất liền ơi/ Một lần ra đảo nhé/ Tự hào em sẽ kể/ Quê em ở Trường Sa.
Thầy giáo Đồng Minh Hiệp cho biết, không chỉ Lê Thị Khánh Linh, mà tất cả học sinh ở Trường Sa, từ lớn đến bé đều thuộc lòng bài “Quê em ở Trường Sa”. Quả vậy, trong đêm văn nghệ trên đảo Trường Sa Lớn, các em cùng nhau cất lên tiếng hát trong trẻo: Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la… khiến ai nấy đều xúc động. Chúng tôi thầm nghĩ: Chính các em là sức sống mới của biển, tương lai của biển, đảo quê hương…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.