(HNM) - Lần đầu tiên tại Hà Nội, 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam cùng lúc được giới thiệu rộng rãi tới công chúng. Có dòng tranh nổi tiếng, có dòng tranh hầu như chỉ “sống” ở một vùng hẻo lánh nào đó, nhưng với bất cứ ai đến Bảo tàng Hà Nội trong những ngày này, xem những bức tranh xưa,
Họa sĩ Lê Hoàn vẽ tranh Hàng Trống tại triển lãm. |
Theo PGS.TS Trương Quốc Bình, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, tranh dân gian Việt Nam có vị trí quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa Việt Nam do tính lâu đời và phổ biến của nó. Về cơ bản, tranh thường được in từ các bản khắc gỗ vẽ màu, nhưng mỗi nơi lại có những kỹ thuật riêng. Điều đặc biệt là ngôn ngữ, vai trò của mỗi dòng tranh trong đời sống dân gian: Trở thành tư liệu vật chất, cụ thể hóa những ý niệm triết học về vũ trụ quan, nhân sinh quan và quan niệm về cái đẹp của nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp người.
Triển lãm gồm 200 tranh và hiện vật, giới thiệu 12 dòng tranh dân gian trong bộ sưu tập của bà Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội. Đây chỉ là một phần trong số tranh dân gian mà nhà sưu tầm này đã dành nhiều năm để thu thập, góp nhặt từ khắp mọi miền đất nước.
Trong các dòng tranh dân gian nổi tiếng, tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) có cái hay là thể hiện truyền thuyết, những câu chuyện ngụ ngôn trong dân gian, thể hiện sự dí dỏm, vui vầy, hạnh phúc nên được người dân dùng để treo trong dịp Tết. Tuy không còn nhộn nhịp như xưa nhưng nhiều gia đình ở làng Đông Hồ vẫn lưu giữ dòng tranh này, vẫn in tranh và "túc tắc" bán. Điều thú vị nằm ở chỗ: Tuy các loại tranh có chung đề tài nhưng vẫn có sự khác nhau về màu sắc dưới bàn tay nghệ nhân. Tranh Hàng Trống (Hà Nội) nổi tiếng vì những đường nét mảnh mai, tinh tế, được tô màu trực tiếp, những bức như “Lý ngư vọng nguyệt”, “Thất đồng”… dễ hấp dẫn người xem. Tuy nhiên, hiện chỉ có họa sĩ gần 70 tuổi Lê Đình Nghiên là còn xưởng vẽ dòng tranh này với 50 ván in ở phố Cửa Đông, Hà Nội. Ông đang truyền nghề cho con là Lê Hoàn - người sẽ có mặt tại triển lãm này để thể hiện kỹ thuật vẽ tranh. Tranh Làng Sình (Huế) vốn dĩ dùng để thờ, xong rồi đốt, giống tranh Đồ thế Nam Bộ, nên không được làm bằng giấy quý.
Theo PGS.TS Phan Thanh Bình (Trường Đại học Nghệ thuật Huế), chỉ có nghệ nhân Kỳ Hữu Phước là người cuối cùng của dòng tranh này biết chế tác và khắc nét tranh đúng bản sắc tranh Làng Sình cổ. Dòng tranh Kim Hoàng (Hoài Đức, Hà Nội) nổi tiếng là thế nhưng hiện không còn người theo nghề, bởi vậy, nói những bức tranh, bản khắc được trưng bày tại triển lãm được coi là báu vật cũng không quá.
Tranh kính - vẽ trên gương và tranh thờ cũng là loại tranh thu hút sự chú ý của khách tới thăm triển lãm. Cùng là tranh kính, nhưng dòng tranh của Huế lại cầu kỳ, đậm phong cách cung đình, còn tranh kính Nam Bộ có đề tài phong phú hơn. Cùng dòng tranh thờ, thì tranh ở vùng đồng bằng thường mang đề tài dân gian, hoặc là tranh Phật giáo, được dân gian hóa để thờ cúng thần linh, huyền thoại lịch sử. Còn tranh thờ ở miền núi phía Bắc thì dày đặc hình ảnh nhân vật thần linh, thường chỉ lưu truyền trong một số tộc người thiểu số. Tranh thờ cổ được lưu giữ, trao truyền trong các gia đình ngày một ít; với loại tranh mới - dùng màu công nghiệp và giấy thường - thì vài xã mới có một người lớn tuổi vẽ được.
Tại triển lãm còn có tranh Thập vật, tranh gói vải là những dòng tranh ít người biết đến. Tranh Thập vật đặc sắc bởi cách biểu đạt tối giản - chỉ in mỗi nét màu đen trên giấy, dùng trong các chùa làng ở Bắc Bộ. Tranh gói vải của Nam Bộ cũng dùng để thờ cúng, có hình nổi rất sinh động…
12 dòng tranh dân gian tiêu biểu này hầu hết đang bị mai một, do tập quán chơi tranh của người dân ngày nay đã có sự thay đổi, do các nguồn cung cấp nguyên liệu bị mất đi hay do người biết nghề, theo nghề đều đã lớn tuổi nhưng không tìm được người để truyền nghề… Nhưng theo các nhà nghiên cứu, việc tổ chức nhiều triển lãm, tạo không gian trưng bày để công chúng hiểu hơn về tranh dân gian Việt Nam sẽ làm tăng sự quan tâm, yêu mến và ý thức gìn giữ loại di sản văn hóa độc đáo này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.