(HNM) - Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trước tình hình giá cả, bối cảnh thế giới có nhiều biến đổi, tất cả các cấp, ngành, các địa phương phải chú trọng ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt cần lưu ý sức ép lạm phát năm nay sẽ lớn hơn…
Có thể thấy, phát huy kết quả đạt được trong thời gian qua, chúng ta đã nỗ lực phấn đấu và tạo nền tảng vĩ mô ổn định trong năm 2017. Quyết tâm đổi mới và những kết quả quan trọng đạt được đã tạo không khí phấn khởi trong đầu tư kinh doanh và toàn xã hội, củng cố niềm tin nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp. Cùng với ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện với kết quả xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, từ thứ 82 lên thứ 68/190; năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc, từ thứ 60 lên thứ 55/137 quốc gia, vùng lãnh thổ; triển vọng của hệ thống ngân hàng được nâng lên, từ “ổn định” lên “tích cực”...
Rõ ràng, đất nước đang bước vào giai đoạn mới của quá trình phát triển với những thời cơ, thuận lợi và cả những khó khăn, thách thức đan xen. Năm 2018, Chính phủ đặt ra phương châm 10 chữ: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Tuy vậy, thực tế sẽ có nhiều khó khăn khi chúng ta còn thấy những tồn tại, hạn chế, bất cập, đòi hỏi khắc phục sớm. Điển hình như vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách nhà nước vẫn đạt thấp, 2 tháng mới đạt gần 9% kế hoạch năm.
Đến thời điểm này, như lời của Thủ tướng Chính phủ, sức ép lạm phát năm nay được nhận định sẽ lớn hơn khi giá dầu thô, giá hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng tăng. Kinh tế Việt Nam càng phải chịu tác động lớn hơn khi hấp thụ một lượng ngoại tệ lớn từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ đầu tư gián tiếp, kiều hối. Trong khi các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn...
Đứng trước sức ép lớn, đòi hỏi toàn bộ hệ thống chính trị sẽ phải thực hiện cao nhất trách nhiệm của mình. Từng bộ, ngành, đơn vị phải tìm hiểu khó khăn ở đâu, cơ chế, chính sách nào để tháo gỡ tốt hơn nữa, để số lượng doanh nghiệp thành lập mới, doanh nghiệp phục hồi nhiều hơn. Ngay cả Chính phủ cũng đặt ra những việc làm cụ thể để phản ứng chính sách rõ nét, kịp thời hơn, quản lý chỉ đạo vĩ mô tốt nhất có thể, không để bất ổn xảy ra, đi liền với đó là tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất.
Tất nhiên, bên cạnh phát triển kinh tế cũng cần quan tâm đến vấn đề xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Từ Chính phủ đến các địa phương tiếp tục tìm hiểu khó khăn ở đâu, cần cơ chế, chính sách nào để tháo gỡ tốt hơn nữa. Hơn lúc nào hết, chúng ta cần sử dụng linh hoạt các công cụ chính sách để ứng phó kịp thời với những biến động tình hình, giữ ổn định kinh tế. Như đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, điều hành kinh tế vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật, đòi hỏi các cấp, các ngành phải chủ động, linh hoạt, luôn bám sát thực tiễn, không ngừng đổi mới sáng tạo, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa nền kinh tế nước ta vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững.
Tất nhiên, trong một thời gian ngắn, chúng ta chưa thể có được những cái lớn, cái khổng lồ, nhưng trước hết hãy làm sao để có được những đột phá đáng kể. Khi cộng đồng doanh nghiệp đặt niềm tin, kỳ vọng lớn vào những nỗ lực cải cách thì trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các địa phương sẽ càng nặng nề hơn, là thách thức và “sức ép” để hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ năm 2018.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.