(HNM) - Sau 20 năm tổ chức, Giải thưởng Chất lượng quốc gia - giải thưởng nhà nước duy nhất về chất lượng được Thủ tướng Chính phủ trao tặng đã đóng góp không nhỏ vào phong trào nâng cao năng suất, chất lượng ở nước ta.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao giải thưởng chất lượng quốc gia cho các doanh nghiệp đoạt giải. |
Tuy nhiên, để giải thưởng thực sự trở thành công cụ quản lý tiên tiến, giúp doanh nghiệp phát triển và hội nhập thì cần có sự thay đổi về phương thức tổ chức và tiêu chí xét chọn, hướng tới những giá trị cốt lõi…
Cũng là công nghệ quản lý
Sau 20 năm triển khai, từ năm 1996 đến năm 2015, đã có 1.690 lượt doanh nghiệp được trao tặng Giải thưởng Chất lượng quốc gia (CLQG). Đây là giải nằm trong hệ thống Giải thưởng Chất lượng quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (GPEA) mà Việt Nam đã tham gia từ năm 2000. Đến nay, đã có 37 doanh nghiệp được trao giải này. Hiện nay, trên thế giới, mô hình giải thưởng chất lượng được các doanh nghiệp sử dụng phổ biến để đánh giá hiệu quả hoạt động quản lý. Nó cho phép doanh nghiệp định kỳ xem xét các hoạt động vận hành như kế hoạch đề ra hay không, hoạt động nào có sự sụt giảm, cần được củng cố, điều chỉnh. Mô hình này đo lường một cách toàn diện và mang tính hệ thống các điểm mạnh, cơ hội cải tiến cho doanh nghiệp, định hướng cho doanh nghiệp xây dựng và thực thi các kế hoạch hành động trong ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.
Ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng CLQG khẳng định: Giải thưởng đã giúp ích không nhỏ cho phong trào nâng cao năng suất - chất lượng tại Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp học hỏi, cải tiến và nâng cao chất lượng quản lý thông qua việc áp dụng cách thực hành sản xuất, kinh doanh tốt nhất. Giải thưởng này không chỉ tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, doanh nghiệp đạt thành tích xuất sắc về chất lượng trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, mà còn là kim chỉ nam cho sự phát triển của doanh nghiệp. Đánh giá về tầm quan trọng của Giải thưởng CLQG, ông Phạm Đình Vũ - Phó Chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - VCCI nhìn nhận: "Phải khẳng định rằng, Giải thưởng CLQG có tác động tích cực đối với việc quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước".
Đại diện các doanh nghiệp đoạt Giải thưởng CLQG đều khẳng định rằng, mỗi lần làm báo cáo đánh giá là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại mình, thấy rõ điểm mạnh - yếu, từ đó đưa ra chiến lược đúng đắn hơn. Thông qua 7 tiêu chí, giải thưởng không chỉ giúp doanh nghiệp đánh giá kết quả, mà còn giúp đánh giá cả một quá trình hoạt động. Giải thưởng như kim chỉ nam để doanh nghiệp hướng theo, và qua đó, nâng cao năng lực…
Bảy tiêu chí đã làm nên sự khác biệt và thành công của giải thưởng gồm: Vai trò của lãnh đạo; Chiến lược hoạt động; Chính sách định hướng vào khách hàng và thị trường; Đo lường, phân tích và quản lý tri thức; Quản lý, phát triển nguồn nhân lực; Quản lý quá trình; Kết quả hoạt động. Với các tiêu chí này, giải thưởng được xem như một bộ công cụ quản lý hoàn chỉnh. "Đó là công nghệ quản lý doanh nghiệp chặt chẽ chứ không đơn thuần là đáp ứng tiêu chí của một giải thưởng" - ông Phó Đức Sơn, Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam khẳng định.
Sửa đổi để giải thưởng gần doanh nghiệp hơn
Ông Phó Đức Sơn thừa nhận: "Giải thưởng CLQG vẫn còn tồn tại một số hạn chế, đó là chưa thực sự thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, chưa trở thành một công cụ có tác động tích cực vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp". Lý giải về điều này, ông Phó Đức Sơn cho biết, bộ tiêu chí giải thưởng được thực hiện bài bản, khá là "cứng" và do vậy, cơ hội quảng bá sâu rộng của doanh nghiệp còn hạn chế. Chính vì vậy, việc thúc đẩy sự tham gia của các hiệp hội nhằm đẩy mạnh tính quảng bá của doanh nghiệp là rất cần thiết. Bên cạnh đó, quá trình xem xét, đánh giá cần có sự vào cuộc của các bộ, ngành, cơ quan báo chí để giải thưởng được biết đến nhiều hơn.
Nhận thấy một số điểm bất cập nên từ năm 2016, quy chế giải thưởng sẽ được điều chỉnh nhằm làm tăng sức lan tỏa của giải thưởng đến với doanh nghiệp. Cụ thể, sau nhiều năm triển khai, Ban tổ chức nhận thấy, việc doanh nghiệp phải viết báo cáo rất dài để nộp lên Hội đồng xét tuyển là không cần thiết. Đây là quy định trong Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31-12-2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Chính vì vậy, việc sửa đổi quy chế sẽ bắt đầu từ việc sửa đổi Nghị định 132 sao cho quy định này trở nên "mềm mại" hơn, không nặng tính hành chính như trước. Theo đó, các quy định sẽ tập trung vào tiêu chí chất lượng nhân sự và quy trình điều hành, vận hành hệ thống - những yếu tố cốt lõi làm nên chất lượng và thương hiệu của doanh nghiệp. Ngoài ra, bên cạnh tôn vinh chất lượng, để góp phần xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, từ những năm sau, giải thưởng sẽ tôn vinh các sản phẩm tốt và các cá nhân lãnh đạo, chuyên gia xuất sắc của doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.