(HNMO) - Trong phiên thảo luận tại tổ chiều 24-5, đại biểu Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Các đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trong phiên thảo luận tại tổ chiều 24-5 |
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, việc sửa đổi luật cần tiếp thu ý kiến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về đánh giá thực tiễn của luật này.
Đại biểu đề nghị các cơ quan liên quan bám sát chỉ đạo và các văn bản của Trung ương, bởi các phương án Chính phủ trình trong dự thảo luật chưa bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt là về tăng cơ cấu đại biểu chuyên trách HĐND.
Góp ý trực tiếp vào nội dung dự thảo luật quy định “giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp ở từng loại hình đơn vị hành chính (từ 10% đến 15% mỗi đơn vị hành chính)”, đại biểu Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, không nên quy định mức giảm như vậy.
Lý do là bởi việc quy định số lượng đại biểu phải căn cứ trên số dân và trong điều kiện 2 thành phố được Quốc hội cho thí điểm áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù thì cần thiết phải giữ số lượng đại biểu để triển khai hoạt động, nhất là thực hiện công tác giám sát và vai trò là cơ quan đại diện cho nhân dân địa phương.
Về tổ chức của HĐND, đại biểu Bùi Huyền Mai đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành về các ban của HĐND cấp tỉnh, số lượng phó ban không quá 2 người. Điều này là cần thiết và để bảo đảm tính chủ động, hiệu quả trong hoạt động của HĐND cấp tỉnh. Về số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh và huyện, đại biểu tán thành với dự thảo luật.
Liên quan đến vấn đề phân cấp, ủy quyền từ trung ương đến địa phương, theo đại biểu Mai, đây là vấn đề không mới, được đặt ra trong nhiều năm qua nhưng đến nay, tình trạng vừa chồng lấn, vừa bỏ trống chức năng, nhiệm vụ giữa các cấp chính quyền trong cùng một vấn đề chưa được khắc phục.
“Đây là một trong những điều kiện tiên quyết đặt ra khi xử lý đối với dự án “một luật sửa hai luật”. Nhưng khi xem xét sửa đổi thì chưa đạt được như mong muốn. Hình như các bộ, ngành trung ương vẫn cố vươn cánh tay dài xuống hoạt động của các địa phương. Điều này dẫn tới sự hạn chế tính chủ động trong việc điều hành của chính quyền địa phương, nhất là các địa phương đã tự chủ động cân đối được ngân sách”, đại biểu Bùi Huyền Mai nêu thêm.
Đối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, các đại biểu Đoàn Hà Nội tập trung thảo luận, cho ý kiến về tính khả thi và điều kiện về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thực hiện luật; số lượng Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, Phó Trưởng ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh; vấn đề phân quyền, phân cấp và ủy quyền của chính quyền địa phương các cấp; cơ cấu tổ chức của UBND; số lượng Phó Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn.
Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, các đại biểu cho ý kiến về khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.