(HNM) - Cuối tuần trước, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức "Ngày hội chung tay hành động giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh" với chủ đề "Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi".
Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam đã ở mức báo động (tỷ số giới tính khi sinh trong năm 2014 là 112,2 bé trai/100 bé gái). Đó là con số gây quan ngại, thể hiện mức tăng nhanh của tỷ số giới tính khi sinh - từ 106,2 bé trai/100 bé gái vào năm 2006 đã tăng thành 112,2 bé trai/100 bé gái vào năm ngoái, và theo dự báo, xu hướng tăng còn tiếp tục trong những năm tới.
Những nghiên cứu trong lĩnh vực giới tính - sức khỏe sinh sản chỉ ra rằng Việt Nam nằm trong nhóm nước có tỷ số giới tính tăng muộn nhưng mức độ tăng nhanh và điều đó có thể gây ra nhiều hệ lụy nếu các cơ quan quản lý không đề ra được giải pháp hiệu quả. Ít nhất, điều mà nhiều người có thể nhìn thấy ngay từ bây giờ là nguy cơ hàng triệu đàn ông không tìm được vợ để kết hôn. Về mặt xã hội, các chuyên gia cảnh báo rằng nếu không được chặn lại, đà tăng tỷ số giới tính khi sinh có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của phái nữ trong tương lai gần. Nhiều người trong số họ sẽ phải chịu sức ép lấy chồng sớm, cơ hội học hành tới nơi tới chốn bị hạn chế, chưa kể là cạm bẫy từ những đường dây buôn bán phụ nữ cũng như tệ nạn xã hội…
Sự gia tăng tỷ số giới tính khi sinh có nguyên nhân đa dạng, liên quan đến trình độ nhận thức cá nhân và áp lực vô hình từ xu hướng "trọng nam khinh nữ" dễ thấy ở nhiều người. Số bé trai sinh ra nhiều hơn số bé gái còn liên quan đến rào cản vô hình về số con trong mỗi gia đình và nhu cầu "phải có con trai" của nhiều cặp vợ chồng, liên quan đến hệ thống quy định được cho là khá cởi mở về nạo - phá thai, sự thiếu quyết đoán trong việc kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy định về lựa chọn giới tính thai nhi…
Chuông báo động về tình trạng dư thừa trẻ trai đã réo trong nhiều năm qua, để lại đằng sau nó mối âu lo của xã hội, nhất là khi những chính sách, chương trình, giải pháp được đưa ra nhằm chặn đà "tăng trưởng" tỷ số giới tính đã không đem lại hiệu quả cần thiết. Sự hạn chế ấy cho thấy chúng ta cần phải tìm ra giải pháp mới phù hợp hơn, hoặc điều chỉnh khung chính sách đã có nhằm làm tăng tính thiết thực, hiệu quả. Cần phải nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi về quy định điều kiện nạo - phá thai; chế tài đủ sức răn đe về hành vi tạo điều kiện cho việc lựa chọn giới tính thai nhi. Ngoài những giải pháp mang tính kỹ thuật này, điều quan trọng là nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi; có giải pháp tuyên truyền vận động phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn, chẳng hạn như nhóm sinh con lần đầu, sinh lần thứ hai, các cặp vợ chồng ở thành thị, nông thôn, khu vực miền núi hoặc nhóm sinh con một bề là gái…
Thực tế cho thấy Việt Nam cần có một chính sách phù hợp hơn đối với vấn đề tỷ số giới tính khi sinh, tuyệt đối không thể "buông tay". Bởi, theo đánh giá của các chuyên gia về dân số, nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời, tỷ số giới tính khi sinh trên phạm vi toàn quốc có thể lên mức 125 bé trai/100 bé gái vào năm 2020 và tỷ số này có thể duy trì trong vài thập niên sau đó. Một chính sách can thiệp tích cực và hiệu quả có thể giúp kìm hãm tỷ số giới tính khi sinh tăng ở mức thấp, khoảng 115 bé trai/100 bé gái vào năm 2020, sau đó tìm cách đưa tỷ số này trở lại mức bình thường.
Bởi thế, với vấn đề liên quan đến sự tăng tỷ số giới tính khi sinh, việc tìm ra giải pháp mới và nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện giải pháp đúng đã đề ra đang là yêu cầu cấp bách.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.