(HNM) - Tám mươi tám năm qua, Báo chí Cách mạng Việt Nam đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất, xây dựng và phát triển đất nước; xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận chính trị - tư tưởng của Đảng, Nhà nước; là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Đội ngũ những người làm báo ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần to lớn vào sự nghiệp đổi mới đất nước nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng.
Ở vào giai đoạn bùng nổ thông tin trong thế giới hội nhập, quá trình phát triển kinh tế - xã hội diễn ra mạnh mẽ tại Thủ đô và cả nước đã cho người làm báo chất liệu thực tế cuộc sống với hàng loạt vấn đề cấp thiết được đặt ra. Điều đó cũng tạo nên những áp lực mới cho các cơ quan thông tấn báo chí và người làm nghề cùng với những yêu cầu, đòi hỏi cao về lương tâm và trách nhiệm.
Trong cơn lốc thị trường, sự cạnh tranh trên lĩnh vực thông tin ngày càng diễn ra khốc liệt, một vấn đề đã được nêu tại nhiều hội thảo, tọa đàm, đó là sự dễ dãi của một số người làm báo hiện nay. Không chỉ là việc sai chính tả, viết hoa, phiên âm, câu chữ không chuẩn… có những người làm nghề sản sinh ra những "đứa con tinh thần" thông qua cách thức lợi dụng, "rút ruột" thông tin của đồng nghiệp rồi xào xáo, "copy - paste" (cắt - dán). Thậm chí, do không thẩm định nên có những thông tin… quá cũ, có trường hợp còn "tiếp cận" được cả với người ở thế giới bên kia để "trao đổi, tâm sự, phỏng vấn". Lại có trường hợp làm báo kiểu salon, dựa trên những dữ liệu thu thập được từ internet hay "nghe lỏm" ở đâu đó rồi ngồi một chỗ tự chế biến, phóng tác. Hoặc có những kiểu "mượn" báo chí làm công cụ để gièm pha người này, tâng bốc người kia, đưa thông tin sai lệch, một chiều, thao túng thông tin vì lợi ích cục bộ, tư lợi… và cả sự tranh thủ để "đánh bóng" bản thân. Rồi cả chuyện lấy danh làm nghề để xin xỏ chỗ này, dọa nạt chỗ kia cho những mục đích không trong sáng. Đặc biệt, trong cách thức tổ chức, nhiều thông tin được "quẳng" lên mặt báo theo kiểu lấy được, hoặc lập luận phiến diện, một chiều, thiếu khách quan, thiếu tính xây dựng, mặc cho bạn đọc dò dẫm, lần mò để tìm hiểu đúng và đầy đủ bản chất của sự việc, hiện tượng. Đáng lo hơn, có thời điểm, những bài báo như vậy đã phủ một màu xám lên dư luận xã hội khi mà nhìn đâu cũng thấy mặt trái cùng những tiêu cực…
Hà Nội luôn là địa bàn nóng cho các hoạt động báo chí khi từng vấn đề, sự việc phải gánh chịu sức ép hơn các tỉnh, thành phố trong cả nước bởi với vị thế là Thủ đô, cả nước đặt niềm tin và sự kỳ vọng rất lớn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, quản lý đô thị, cùng với những nhu cầu, đòi hỏi cao và khắt khe. Do đó, không có gì là lạ khi Hà Nội là "mảnh đất" đa dạng cho các đề tài báo chí. Và những vấn đề bất cập trong lĩnh vực thông tin cũng như sự dễ dãi của người làm báo như đã nêu ở trên đối với từng vấn đề, sự việc cụ thể đều có thể dễ dàng nhận ra. Vậy nên hiện thực cuộc sống đòi hỏi người làm báo không thể nhìn nhận, đánh giá sự việc bằng tư duy chủ quan, cảm tính. Việc giải quyết từng vấn đề đều phải được đặt trong một tổng thể, cân đối, hài hòa các lợi ích của Nhà nước, người dân, của doanh nghiệp và các tổ chức, cơ quan, đơn vị… Trong đó, nền tảng xử lý các vấn đề là căn cứ theo các quy định của pháp luật.
Sự thật và cái tâm của người làm nghề là như vậy. Đó là yếu tố cần và đủ để người làm nghề báo xa rời thái độ vô cảm và đánh mất tính nhân văn của báo chí. V.I.Lênin từng cho rằng: "Sự thật là sức mạnh của báo chí". Nhưng sức mạnh đó chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi được kết hợp với cái tâm trong sáng của người làm báo tạo ra những góc nhìn tích cực, mang tính xây dựng với xuất phát điểm là lợi ích chung của cộng đồng, của đất nước. Có như vậy, các cơ quan thông tấn báo chí và người làm báo mới có thể tiên phong trong công tác tư tưởng, đồng thời đóng góp vai trò tích cực vào việc phản biện xã hội, giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc của Thủ đô và đất nước trong giai đoạn hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.