(HNM) - Chưa bao giờ lực lượng doanh nhân Việt Nam lại hùng hậu và nhận được kỳ vọng lớn như hiện nay. Đảng, Chính phủ đã xác định doanh nhân là những người đi đầu trên "mặt trận" kinh tế. Nhân dịp Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về vấn đề này.
- Ông nhận xét gì về vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn mới?
- Sau một thời gian dài, khu vực kinh tế tư nhân đã có những thay đổi lớn. Về chính sách, lần đầu tiên có một nghị quyết trung ương riêng về phát triển kinh tế tư nhân, đó là Nghị quyết số 10-NQ/TƯ (ngày 3-6-2017) Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết đã quy định: “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế”; “Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng đóng góp trong GDP”; “Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng”. Đồng thời, hướng tới mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp; năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp...
Quốc hội cũng thông qua Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó đề ra các nhóm chính sách hỗ trợ chung. Đồng thời, trong 5 năm trở lại đây, Chính phủ đã ban hành loạt Nghị quyết 19/NQ-CP hằng năm, với nhiều nhiệm vụ đặt ra cho các bộ, ngành, địa phương để cải thiện, nâng cao sức hấp dẫn môi trường kinh doanh...
- Ông đánh giá thế nào về thực trạng, tiềm năng, năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam? Có điểm mạnh, yếu gì nếu so với doanh nhân, doanh nghiệp trong khu vực?
- Doanh nghiệp tư nhân là lực lượng quan trọng tạo ra phần lớn việc làm, đóng góp chủ yếu vào ngân sách nhà nước, đảm nhận gánh nặng về an sinh xã hội. Một nghiên cứu của Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) mới đây cho thấy, kinh tế tư nhân tạo ra đến 90% việc làm tại các quốc gia đang phát triển.
Hiện, Việt Nam có hơn 715.000 doanh nghiệp, gần 4 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó hơn 2 triệu hộ kinh doanh có đăng ký. Khu vực này chiếm khoảng 40% GDP Việt Nam, tạo thêm nửa triệu việc làm mỗi năm. Trung bình hằng năm có hơn 130.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập.
Thời gian qua, số lượng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thành lập mới tăng cao, góp phần huy động và sử dụng vốn xã hội phục vụ tăng trưởng kinh tế; xuất khẩu của khu vực này tăng trưởng ấn tượng; đã có thêm nhiều doanh nghiệp lớn tham gia lĩnh vực sản xuất hàng hóa chất lượng cao...
Tuy nhiên, so với nhiều nước có bề dày kinh nghiệm thì doanh nghiệp Việt non trẻ hơn. Nhiều doanh nghiệp đi lên từ hộ gia đình, nên tổ chức kinh doanh và hoạt động quản trị chưa chuyên nghiệp. Ít có doanh nhân qua trường lớp đào tạo bài bản, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế. Tuy nhiên, cũng có tín hiệu tích cực là chúng ta đang hình thành một thế hệ doanh nhân trẻ, được đào tạo bài bản ở Mỹ và châu Âu.
- Ông đánh giá thế nào về kết quả cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua?
- Thực tế những năm gần đây, Chính phủ đặt ra mục tiêu rất lớn về tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong các Nghị quyết 19/NQ-CP của các năm trước và Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2019 (ngày 1-1-2019) về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019, định hướng đến năm 2021.
Các bộ, ngành đã đồng loạt cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, theo đó hầu hết đều đạt trên 50% và chủ động xây dựng các nghị định để hiện thực hóa việc cắt giảm thêm nhiều điều kiện khác. Cải cách trong kiểm tra chuyên ngành cũng được đẩy mạnh.
Mặc dù vẫn còn những hoài nghi như “việc cắt giảm điều kiện kinh doanh đã đạt được mục tiêu?” thì vẫn không thể phủ nhận rằng, thời gian qua đã có những thay đổi lớn về cải cách theo hướng tích cực.
- Theo ông, để hội nhập thành công, doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển biến như thế nào? Cơ quan chức năng cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn?
- Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần tăng khả năng cạnh tranh, đặc biệt là trình độ quản trị. Theo nghiên cứu của VCCI mới đây, kết quả không mấy lạc quan vì trình độ quản trị của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chỉ đạt 2,93 theo thang điểm 5, trong khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt 3,15 điểm...
Vì vậy, nâng cao chất lượng quản trị của doanh nghiệp trong nước có ý nghĩa rất quan trọng, là giải pháp để cải thiện hiệu quả hoạt động, gia tăng quy mô sản xuất - kinh doanh, tham gia sâu hơn vào đời sống kinh tế toàn cầu. Tất nhiên, trách nhiệm chính vẫn thuộc về doanh nghiệp, nhưng không thể thiếu vai trò hỗ trợ của Nhà nước. Nhà nước cần kiên trì mục tiêu khuyến khích, tạo động lực để doanh nghiệp nâng cao trình độ quản trị, cũng như thỏa mãn một số nhu cầu quan trọng khác.
- Để tiếp tục cải thiện điều kiện kinh doanh nói chung, theo ông cần giải pháp gì?
- Để bứt phá trong cải cách thủ tục hành chính và xóa bỏ giấy phép con, chúng tôi đề nghị hạn chế cách tiếp cận truyền thống là giao cho các bộ, ngành tự rà soát và đưa ra giải pháp cắt giảm. Thay vào đó là giao cho tổ chức độc lập (như VCCI, hay Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, hoặc các hiệp hội doanh nghiệp) chủ động rà soát, kiến nghị danh mục điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính cần đơn giản hóa (hoặc bỏ). Sau đó, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như kiến nghị với các bộ, ngành...
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.