Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sự ghi nhận xứng đáng

Khải Phương| 07/02/2017 06:55

(HNM) - Những công trình được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học - công nghệ (KH-CN) đợt 5 đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, KH-CN, bảo đảm an ninh - quốc phòng... Đây chính là sự ghi nhận xứng đáng của Đảng và Nhà nước dành cho các nhà khoa học, các doanh nghiệp.

Bước tiến dài trong y tế và khoa học xã hội nhân văn

Trong số 16 công trình được trao giải, có 8 công trình thuộc lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn (KHXHNV) và y tế, đều được đánh giá là rất xuất sắc. Tiêu chí của Hội đồng xét tặng giải thưởng yêu cầu công trình phải đạt hơn 90% số phiếu của thành viên hội đồng nhưng trong thực tế, nhiều công trình đạt 100% số phiếu. Đó là các cụm công trình y học: Nghiên cứu ứng dụng KH-CN nhằm bảo đảm an toàn truyền máu - do GS Nguyễn Anh Trí chủ trì; Ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị một số bệnh lý mạch não bằng điện quang can thiệp nội mạch - do GS Phạm Minh Thông chủ trì; Ứng dụng bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư và một số bệnh khác do GS Mai Trọng Khoa chủ trì; cụm công trình về Lịch sử và Văn hóa Việt Nam của GS Phan Huy Lê; cụm công trình về Ngữ dụng học của GS Đỗ Hữu Châu…

Cụm công trình y học “Nghiên cứu ứng dụng KH-CN nhằm bảo đảm an toàn truyền máu” được đánh giá rất cao.Ảnh: TTXVN


Bằng việc đưa kỹ thuật can thiệp điện quang thần kinh về áp dụng tại Việt Nam, GS Phạm Minh Thông đã thay đổi quan điểm trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý mạch máu thần kinh. Can thiệp điện quang thần kinh đã thay thế hoàn toàn phẫu thuật trong điều trị thông động mạch cảnh xoang hang do chấn thương, một bệnh thường gặp ở Việt Nam. Giờ đây, hằng năm, chỉ tính riêng tại Bệnh viện Bạch Mai đã có khoảng 200 bệnh nhân phình mạch não được điều trị thành công bằng phương pháp mới, hàng trăm bệnh nhân khác được điều trị thông động mạch cảnh xoang hang, hàng trăm bệnh nhân đột quỵ não được chẩn đoán và được điều trị tiêu sợi huyết hay lấy huyết khối kịp thời. Kỹ thuật mới giúp tăng khả năng cứu sống bệnh nhân đột quỵ mà không để lại di chứng.

Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” do GS.TS. Mai Trọng Khoa và các cộng sự nghiên cứu với 5 nhóm công trình có sử dụng bức xạ ion hóa, gồm: Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật chụp cắt lớp phát bức xạ PET/CT để chẩn đoán ung thư và bệnh sa sút trí tuệ; Kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gama quay để điều trị u não và một số bệnh lý sọ não; Kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc, cấy hạt phóng xạ, điều trị miễn dịch phóng xạ và xạ trị áp sát trong điều trị ung thư; Kỹ thuật miễn dịch phóng xạ và thuốc phóng xạ để chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh nội tiết... Hàng nghìn bệnh nhân ung thư đã được tiếp cận thành quả của công trình với chi phí chỉ bằng một nửa, thậm chí bằng 1/10 so với khi điều trị tại các nước phát triển.

Về công trình Lịch sử và Văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận, Hội đồng đánh giá đây là bước đột phá về lý luận và phương pháp nghiên cứu KHXHNV. Lần đầu tiên, quan điểm đa tuyến, toàn bộ và toàn diện được trình bày một cách hệ thống dưới dạng tổng quát như một nguyên lý và được dẫn giải theo tiến trình lịch sử Việt Nam thời cổ - trung đại. Đây là bước tiến dài trên con đường nhận thức lịch sử và văn hóa dân tộc, mở ra một giai đoạn mới cho sự phát triển của sử học Việt Nam.

Diện mạo của khoa học - công nghệ

Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, các công trình nghiên cứu ứng dụng chiếm đa số, trong đó có những công trình đặc biệt xuất sắc, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao. Dấu ấn của các doanh nghiệp khá rõ ràng khi 3 cụm công trình của Ngành Dầu khí đã góp phần nâng cao năng lực khai thác dầu khí của đất nước. Qua việc thực hiện công trình Nghiên cứu thiết kế chi tiết và ứng dụng công nghệ để chế tạo, lắp ráp và hạ thủy giàn khoan tự nâng ở độ sâu 90m nước, do KS Phan Tử Giang chủ trì, Việt Nam đã trở thành một trong số ít các quốc gia có đủ năng lực thiết kế, đóng mới các giàn khoan khai thác dầu khí tự nâng.

Bên cạnh đó, cụm công trình Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu của KS Hoàng Đức Thảo đã đưa ra giải pháp công nghệ để bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong lĩnh vực nông nghiệp, cụm công trình Nghiên cứu chọn tạo và phát triển hai giống lúa mới OM6976 và OM5451 có năng suất và chất lượng cao phục vụ sản xuất và xuất khẩu do PGS.TS Trần Thị Cúc Hòa làm Chủ nhiệm đã tạo nên những giống lúa có năng suất và chất lượng cao. Trong 3 năm 2013-2015, diện tích ứng dụng của hai giống này đã lên đến trên 3 triệu héc ta ở khu vực Đồng bằng Nam Bộ.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, cụm công trình “Cầu Hàm Luông” trên quốc lộ 60 của tỉnh Bến Tre đã áp dụng những công nghệ mới để xây dựng cầu với khẩu độ nhịp chính lên đến 150m - kỷ lục ở Việt Nam, giúp nối liền Bến Tre với các tỉnh lân cận, tăng cường giao thương, phát triển kinh tế vùng...

Với việc trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về KH-CN, Đảng và Nhà nước đã ghi nhận xứng đáng công lao của giới nghiên cứu cũng như doanh nghiệp Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự ghi nhận xứng đáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.