(HNM) - Năm 2019, thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Mục tiêu đặt ra là từ cuối năm 2019 hạn chế 80% sản phẩm nhựa khó phân hủy; thay đổi thói quen, giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong sinh hoạt cộng đồng dân cư và hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ từ năm 2020. Đến ngày 31-12-2020 hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa…
Tuy nhiên, đến nay việc sản xuất và sử dụng túi ni lông vẫn khá phổ biến ở khắp mọi nơi. Thấy rõ nhất là từ các chợ, siêu thị đến trung tâm thương mại, cửa hàng tạp hóa…, túi ni lông vẫn được dùng đựng hàng hóa. Hàng nhỏ, ít sẽ có túi ni lông nhỏ, mỏng; hàng lớn, nhiều sẽ có túi ni lông to, dày. Túi ni lông sau khi hoàn thành “nhiệm vụ” lại bị vứt vào sọt rác. Việc sử dụng túi ni lông trở thành thói quen, đã và đang gây hại cho môi trường trong thời gian rất dài.
Thực tế, sau khi thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông, rất nhiều chương trình tuyên truyền về tác hại của túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng 1 lần đã được triển khai. Nhiều mô hình, giải pháp thay thế túi ni lông đã được triển khai, áp dụng. Đơn cử, các siêu thị phát túi vải cho khách hàng đựng hàng hóa; các cửa hàng bán đồ uống sử dụng ống hút bằng thủy tinh hay tre thay cho ống nhựa; nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp sử dụng chai thủy tinh đựng nước thay cho chai nhựa dùng 1 lần… Các hoạt động này đã ít nhiều phát huy hiệu quả, nhất là làm thay đổi ý thức của người tiêu dùng. Song, trải qua hơn hai năm dịch Covid-19, việc tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai các mô hình, giải pháp trên dường như bị gián đoạn nên ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông của thành phố.
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững năm 2023 trên địa bàn thành phố. Trong đó, thành phố tiếp tục phấn đấu 100% chợ truyền thống không sử dụng túi ni lông khó phân hủy; chuyển đổi sử dụng các sản phẩm bao bì thân thiện môi trường thay thế cho bao bì nhựa dùng một lần. Để kế hoạch này không nằm trên giấy, rất cần cơ quan chức năng khảo sát thực trạng sử dụng túi ni lông trong hoạt động cộng đồng, đánh giá việc triển khai kế hoạch phòng, chống rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, từ đó nhận diện mặt được, chưa được và đề ra giải pháp, mục tiêu phù hợp.
Thay đổi nhận thức, thói quen là việc khó, vì vậy đòi hỏi hoạt động tuyên truyền phải thường xuyên, bằng nhiều hình thức để người tiêu dùng thấy rõ tác hại của sản phẩm nhựa, túi ni lông dùng 1 lần, đi đôi với cung cấp sản phẩm thay thế phù hợp. Nên chăng đưa ra quy định không được sử dụng túi ni lông tại các siêu thị, trung tâm thương mại, trường học, khu du lịch, khu danh lam thắng cảnh, khu di tích. Xây dựng tài liệu hướng dẫn xử lý túi ni lông kết hợp với phong trào chống rác thải nhựa, túi ni lông ở các khu dân cư, vận động nhân dân sử dụng túi đựng thay thế cho túi ni lông; tổ chức các chương trình thu hồi, tái chế sản phẩm nhựa, túi ni lông...
Cùng với đó cần có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích chuyển đổi sản xuất bao bì gây ô nhiễm môi trường sang sản phẩm thân thiện với môi trường; đưa ra lộ trình để các doanh nghiệp sản xuất và sử dụng sản phẩm túi đựng thân thiện môi trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.