(HNMO) - Việc bộ phim “Vợ ba” của đạo diễn Nguyễn Phương Anh phải dừng công chiếu tại Việt Nam vì phản ứng của dư luận khi để diễn viên mới 13 tuổi tham gia vào một số cảnh quay nhạy cảm có thể được xem là việc chưa có tiền lệ trong điện ảnh Việt Nam.
Đâu là "lằn ranh" nghệ thuật?
Bộ phim “Vợ ba” nhận được vô số giải thưởng quốc tế nhưng mới ra rạp được ít hôm (từ ngày 17-5) lập tức vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn công chúng phản ứng về việc đoàn làm phim đã sử dụng diễn viên Trà My (khi đóng phim còn chưa đủ 13 tuổi) tham gia nhiều cảnh quay phải thể hiện tình cảm với người lớn, không phù hợp với lứa tuổi. Không phải vô cớ mà phim bị phản ứng gay gắt như vậy, nhất là khi những vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền trẻ em đang được cả xã hội quan tâm.
Cảnh trong phim "Vợ ba". |
Nói về những cảnh quay không phù hợp với diễn viên 13 tuổi, nhà văn Trang Hạ thẳng thắn bày tỏ: “...Tôi không phản đối bộ phim, nhưng tôi phản đối cách lựa chọn diễn viên của đạo diễn. Tại sao không phải là một diễn viên đóng thế cho những cảnh nhạy cảm?”.
Nhà văn Tâm Phan cũng cho rằng, việc một bé gái diễn “cảnh nóng” trong phim xét về mặt đạo đức là sai, cho dù có thể đoàn làm phim đã có hợp đồng làm việc và đã có sự chấp thuận từ gia đình diễn viên.
Với con mắt nhà nghề, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng bày tỏ: "Những bộ phim độc lập thường muốn tạo cảm xúc chân thực nhất, mãnh liệt nhất, có thể vì lý do đó, họ đã chọn cô bé 13 tuổi. Đây là quyết định làm phim của đạo diễn. Nhưng nếu là tôi, tôi sẽ dùng diễn viên đóng thế...".
Trước bộ phim “Vợ ba”, một trung tâm hướng dẫn kỹ năng sống cho trẻ em đã thực hiện bộ ảnh “Những đứa trẻ mang bầu” với mục đích nâng cao nhận thức về nạn xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, việc sử dụng hình ảnh những bé gái ở độ tuổi từ 8 đến 12, được chụp cận cảnh với gương mặt sợ hãi, tay ôm bụng bầu, đã khiến ekip này đối mặt với phản ứng gay gắt của người xem.
Rõ ràng, thông điệp nhân văn, mang tính xã hội chưa thấy đâu, bộ ảnh đã gây ra phản ứng ngược với những tác hại mà nhóm thực hiện không lường được trước. Rất nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng vì bộ ảnh với danh nghĩa “vị nghệ thuật” nhưng lại thực hiện thiếu tế nhị, có thể gây tổn hại lớn đến trẻ em.
Bộ ảnh "Những đứa trẻ mang bầu" khiến dư luận bất bình. |
Quay trở lại với bộ phim “Vợ ba”, phim gắn mác 18+ (tức là cấm người xem dưới 18 tuổi) nhưng lại để trẻ em 13 tuổi đóng những cảnh nhạy cảm - đó đã là một mâu thuẫn lớn của đoàn làm phim. Và dù đoàn làm phim có giải thích là không vi phạm Luật Lao động trong việc sử dụng diễn viên dưới 13 tuổi trong hoạt động nghệ thuật; rằng đã có biện pháp che chắn, bảo vệ cẩn thận cho diễn viên, thậm chí có mẹ của diễn viên giám sát…, thì những gì gợi trên phim do một cô bé 13 tuổi đảm nhận cũng khó có thể khiến đại đa số khán giả Việt Nam chấp nhận.
Bởi thế, phim đã không phù hợp với sự tiếp nhận của khán giả trong nước, dù có thể được giới phê bình thế giới đánh giá cao và giành được nhiều giải thưởng ở các liên hoan phim quốc tế.
Hiểu sao cho đúng luật?
Thông tư số 11/2013/TT-BLĐTBXH ngày 11-6-2013 ban hành danh mục công việc nhẹ được sử dụng người dưới 15 tuổi làm việc có quy định: Đối với công việc là diễn viên múa, hát, xiếc, điện ảnh, sân khấu kịch, tuồng, chèo, cải lương, múa rối thì được phép sử dụng người dưới 13 tuổi làm việc. Tuy nhiên, việc sử dụng lao động dưới 13 tuổi tham gia vào nghệ thuật như thế nào, thông tư cũng không nói rõ.
Trả lời về vấn đề này, luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư - Hội Bảo vệ quyền trẻ em thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Việc nhà sản xuất phim “Vợ ba” cho bé Trà My trực tiếp đóng cảnh nóng ở tuổi 13 là vi phạm các điều trong mục 1, Chương XI của Luật Lao động".
Điều luật này nêu rõ, chỉ được sử dụng người lao động chưa thành niên vào những công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực, nhân cách. Việc để cô bé 13 tuổi đóng những cảnh có nội dung không phù hợp với lứa tuổi là vi phạm luật nghiêm trọng.
“Trong Điều 26 - Luật Trẻ em quy định, trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức, không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ. Đối với Trà My, việc em có đồng ý không phải điều quan trọng nhất. Ở đây, gia đình, cụ thể là người mẹ, cần ý thức được việc bảo vệ con gái mình", bà Trần Thị Ngọc Nữ giải thích.
Bộ phim “Leon” từng bị khán giả lên án mạnh mẽ khi đạo diễn để nữ diễn viên Natalie Portman thực hiện cảnh hút thuốc, uống rượu khi mới 11 tuổi. |
Liên quan tới vấn đề này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, cần xem xét vụ việc dưới nhiều yếu tố.
Theo ông Nam, luật pháp hiện hành không cấm sử dụng lao động chưa thành niên (đặc biệt là trẻ em dưới 15 tuổi) vào một số lĩnh vực, như văn hóa, nghệ thuật, thể thao… Tuy nhiên, việc sử dụng nhóm lao động này phải đáp ứng một số điều kiện nhất định và phải ký hợp đồng lao động. Không được dùng trẻ em làm những công việc ảnh hưởng tới phát triển sau nay của trẻ, đặc biệt khi ảnh hưởng đến đạo đức, tinh thần.
Về bộ phim “Vợ ba”, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, việc sử dụng diễn viên trẻ em mới 13 tuổi, thậm chí cả khi đã 15 tuổi, đóng cảnh nhạy cảm là không được phép. Những đoạn hội thoại cũng chưa thật phù hợp. Theo kinh nghiệm các nước, với kịch bản có nhân vật trẻ em, những cảnh này phải dùng diễn viên đóng thế hoặc sử dụng diễn viên trên 18 tuổi vào vai trẻ em.
Nhìn ra thế giới, tại những nền điện ảnh lớn như ở Mỹ, châu Âu, việc sử dụng diễn viên dưới 18 tuổi tham gia vào những cảnh quay nhạy cảm, không phù hợp lứa tuổi cũng bị dư luận của nước sở tại lên án mạnh mẽ, cho dù có phim đã giành nhiều giải thưởng quốc tế.
Điển hình là diễn viên Jodie Foster từng nhận được một đề cử Oscar nhờ phim “Taxi driver”, nhưng cũng gây tranh cãi vì được giao vai gái điếm khi mới 13 tuổi; đạo diễn phim “Leon” bị khán giả lên án mạnh mẽ vì để nữ diễn viên Natalie Portman thực hiện cảnh hút thuốc, uống rượu khi mới 11 tuổi; bộ phim “Lolita” của Adrian Lyne suýt nữa không thể chiếu tại Mỹ vì diễn viên nữ chính Dominique Swain mới 15 tuổi…
Ranh giới giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật, giữa hư cấu với phi hư cấu, đôi khi khá mong manh. Việc sử dụng diễn viên nhí vốn là bài toán khó cho những người làm điện ảnh không chỉ ở Việt Nam mà cả ở những nước có nền điện ảnh văn minh, phóng khoáng.
Việc này đòi hỏi các nhà sản xuất, đạo diễn vừa phải thực hiện đúng luật, vừa có sự thận trọng, đạo đức nghề nghiệp và sự tinh tế. Bởi nếu không, tác phẩm nghệ thuật ấy dù có hay đến mấy, dù nhận được nhiều giải thưởng danh giá của giới phê bình thì nó cũng có thể bị công chúng tẩy chay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.