Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sử dụng nhân lực cao cấp nước ngoài: Có phải đáp án hay ?

Hà Thanh| 18/02/2010 09:02

(HNM) - Đúng như nhận định của các chuyên gia lao động, khi khủng hoảng tài chính xảy ra, nhiều doanh nghiệp (DN) đã sa thải hàng loạt lao động. Và hậu quả là từ nửa cuối năm 2009 đến nay, các DN lại lâm vào tình trạng thiếu hụt nhân lực cả về lượng và chất.


Xu hướng

Lao động nước ngoài ở Lâm Đồng.    Ảnh: Đức Tài

Xu hướng gia tăng tuyển dụng nhân sự nước ngoài của các DN trong nước ngày càng nhiều qua số lượng công ty rao tuyển lao động nước ngoài trên mạng tuyển dụng trực tuyến Vietnamwork quý IV-2009 và tháng 1-2010. Ngoài ra, kết quả kiểm tra lao động nước ngoài đang có mặt làm việc tại địa phương do các sở LĐ-TB&XH tiến hành mới đây cũng cho thấy điều này.

Sở dĩ xu hướng này đang được hâm nóng vì nguồn nhân lực nước ngoài có khả năng đáp ứng được cả hai yêu cầu cơ bản của các DN trong nước thời điểm hiện tại. Đó là kỹ năng quản lý và kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế, tác phong làm việc chuyên nghiệp. Trong khi đó, mức lương trả cho nhân sự nước ngoài cũng chỉ tương đương với các nhân sự cao cấp trong nước.

Mới đây, ông Bùi Đức Huyên, Giám đốc Công ty cổ phần Dinh dưỡng Việt Tín tỏ ra hài lòng khi thuê một giám đốc kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao với mức lương trả chỉ có 3.000 USD/tháng. Tập đoàn Đồng Tâm cũng không ngần ngại bỏ tiền thuê 4 nhân sự người nước ngoài có kinh nghiệm làm việc nhiều năm ở các tập đoàn, các công ty lớn trên thế giới về giữ các cương vị giám đốc. Theo đại diện của Đồng Tâm Group: "Việc tuyển dụng các nhân sự cao cấp nước ngoài vào làm việc không chỉ tạo cho Đồng Tâm có thêm sức mạnh nội lực mà còn từng bước vươn tới tính chuyên nghiệp cao". Theo các chuyên gia lao động - việc làm, ở thời điểm hiện tại, khi nhân lực cao cấp của Việt Nam còn thiếu thì việc sử dụng lao động nước ngoài là một giải pháp phù hợp cho DN Việt Nam. Cái được cho DN là tạo được một môi trường làm việc mới, chuyên nghiệp hơn cho nhân viên trong DN.

Có phải là đáp án hay?

Nhìn nhận vấn đề này, nhiều chuyên gia lao động cảnh báo cần phải cân nhắc xem bộ máy DN có thích ứng với "nguồn lực mới" hay không? Hơn nữa, việc sử dụng nguồn nhân lực này như thế nào để phát huy hiệu quả cao nhất, nâng được tầm DN khi còn có khác biệt về văn hóa và trình độ so với số đông nhân viên trong DN. Chia sẻ vấn đề này, lãnh đạo cấp cao của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk cho hay, sử dụng nhân sự cao cấp người nước ngoài cũng dễ bị phản tác dụng và đổ vỡ rất nhanh nếu như sử dụng không đúng. Một người Việt Nam có thể làm ở nhiều vị trí, lĩnh vực khác nhau, nhưng nhân sự cao cấp nước ngoài lại chuyên nghiệp một cách tuyệt đối. Chẳng hạn anh bán hàng chỉ chuyên bán hàng, marketing thì chuyên marketing, đưa sang lĩnh vực khác chắc chắn thất bại. Chưa kể, phải chuẩn bị đội ngũ có đủ năng lực để cùng làm việc, cùng gắn kết với họ. Khi đã có bộ máy đồng bộ, ổn định và vững rồi thì việc sử dụng nguồn nhân lực sẽ là phương án tối ưu cho DN. Điều này cho thấy, sử dụng lao động nước ngoài cũng chưa phải là đáp án hay của các DN thời điểm này.

Cần một sự thay đổi

Theo các chuyên gia về lao động, xu hướng sử dụng nhân lực cao cấp nước ngoài trong các DN được coi như một lời cảnh báo đối với đội ngũ nhân sự cấp cao Việt Nam. Ở thời điểm hiện tại, cơ hội cho lao động trong nước giành lại vị thế trên "sân nhà" vẫn còn và đang được nhiều cơ sở đào tạo đặc biệt chú trọng. Tuy nhiên, xét đến cùng, bản thân lao động Việt Nam cũng cần phải có những thay đổi tích cực.

Một trong những thay đổi đó là bên cạnh sự trau dồi về năng lực chuyên môn, các kỹ năng, tác phong làm việc công nghiệp trong môi trường chuyên nghiệp, thì trình độ ngoại ngữ được xem là chìa khóa giúp cho việc hội nhập tốt hơn, mở ra nhiều cơ hội thành công hơn cho nhân sự trong nước. Chị Minh Thiên, Phó phòng Thiết kế Công ty Thiên Long cho rằng, nếu không có ngoại ngữ để tiếp cận với những ứng dụng mới, kỹ thuật mới, sớm muộn gì họ cũng bị đào thải hoặc mất cơ hội thăng tiến lên vị trí cao hơn. Cũng theo chị Minh, ngoại ngữ đã được phổ cập nên kinh nghiệm cũng chưa phải là ưu thế tuyệt đối trong thời công nghệ số và xu hướng di cư quốc tế.

Theo các chuyên gia tư vấn việc làm, qua yêu cầu tuyển dụng của các công ty thời gian gần đây có thể nhận thấy khả năng ngoại ngữ của người lao động luôn được chú ý. Bà Phan Thị Thu Hương, Phó Tổng giám đốc Hành chính - Nhân sự Công ty Thiên Long cho biết: "Khả năng ngoại ngữ là tiêu chí đầu tiên để sàng lọc ứng viên của chúng tôi hiện nay".

Rõ ràng, trong xu thế hội nhập quốc tế, nếu các ứng viên trong nước không tự vươn lên, không có những thay đổi tích cực thì việc sử dụng nhân sự cấp cao nước ngoài không chỉ là xu hướng mà sẽ mối lo ngại cho lao động trong nước. Những tố chất cần cù, linh hoạt sẽ không còn là ưu thế đối với lao động trong nước khi bài toán nhân sự đã được các DN giải quyết bằng những phương án khác tối ưu hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng nhân lực cao cấp nước ngoài: Có phải đáp án hay ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.