(HNM) - Bước vào tháng cao điểm nắng nóng, hóa đơn tiền điện thường tăng vọt do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát tăng đột biến. Thậm chí, có hộ gia đình tiền điện tăng gấp 5-6 lần tháng bình thường bởi cách tính tiền điện lũy kế, càng dùng nhiều, tiền điện càng cao. Vì vậy, cũng có không ít hộ gia đình thắc mắc, đề nghị kiểm tra lại công tơ và cách ghi chỉ số tiêu thụ điện.
Đối với ngành Điện, mùa nắng nóng, nhất là khi nhiệt độ tăng đột biến, kéo dài, gây ra áp lực lớn trong việc điều tiết, vận hành hệ thống. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện các tháng còn lại của năm 2022 ước đạt 166,641 tỷ kWh. Lũy kế cả năm 2022, điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện ước đạt 275,399 tỷ kWh, tăng 7,99% so với năm 2021. Căn cứ thực tế tình hình cung cấp điện trong 5 tháng đầu năm và dự kiến kế hoạch trong các tháng còn lại, việc cung cấp điện trong năm 2022 cơ bản sẽ được bảo đảm, không xảy ra tình trạng thiếu điện. Tuy nhiên, với những tháng cao điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng tăng đột biến, việc thiếu điện cục bộ khó tránh khỏi.
Vì thế, sử dụng điện tiết kiệm vẫn là giải pháp hiệu quả. Mỗi gia đình sử dụng điện tiết kiệm, hóa đơn tiền điện sẽ giảm. Cả xã hội sử dụng điện tiết kiệm giúp áp lực đối với ngành Điện sẽ giảm. Hơn thế, nếu mỗi địa phương đạt mục tiêu tiết kiệm năng lượng ở mức 2% thì Việt Nam sẽ giảm hàng tỷ kWh điện tiêu thụ mỗi năm, mang lại hiệu quả to lớn cho nền kinh tế. Theo số liệu thống kê, năm 2021, Hà Nội tiết kiệm hơn 447 triệu kWh điện, bằng 2,2% sản lượng điện thương phẩm. Năm 2022, Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ, tương đương 450 triệu kWh điện. Tính theo biểu giá điện sinh hoạt, số tiền tiết kiệm có thể lên tới cả nghìn tỷ đồng.
Vậy làm thế nào để sử dụng điện tiết kiệm? Trước hết đó là tắt thiết bị điện không cần thiết; rút phích cắm điện thiết bị không sử dụng bởi dù không sử dụng thì thiết bị vẫn tiêu hao điện năng đáng kể; thay thế bằng thiết bị tiêu hao ít năng lượng và tận dụng ánh sáng tự nhiên; chọn thiết bị điện dán nhãn tiêu hao năng lượng thấp. Trong ngày nắng nóng, khi sử dụng điều hòa nhiệt độ, không nên đặt nhiệt độ trong nhà quá thấp so với bên ngoài. Với hộ có điều kiện có thể lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà chủ động cung cấp điện sinh hoạt hằng ngày mà không phụ thuộc vào hệ thống điện quốc gia.
Đối với hộ tiêu thụ điện lớn (cơ quan, công sở, nhà máy…) cần xây dựng kế hoạch sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, như sử dụng đúng công suất, biểu đồ phụ tải đã ký kết trong hợp đồng mua bán điện; có phương án sản xuất hợp lý, hạn chế việc sử dụng thiết bị, máy móc có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm, hạn chế tối đa thiết bị điện hoạt động không tải. Về lâu dài, cần nghiên cứu chuyển đổi công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng, chủ động nguồn điện từ năng lượng tái tạo để giảm phụ thuộc vào hệ thống điện quốc gia…
Trên hết, các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về sử dụng điện tiết kiệm thông qua các chương trình, hoạt động thiết thực, như: Tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi thiết bị điện tiết kiệm; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, cơ quan, công sở sử dụng năng lượng tái tạo, đầu tư chuyển đổi công nghệ, thiết bị tiên tiến. Ngành Điện đi đầu trong việc sử dụng điện tiết kiệm, tập trung đầu tư cải tạo lưới điện nhằm giảm tổn thất điện năng, đi đôi với kiểm tra việc thực hiện chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.