(HNM) - Người dân các xã Đặng Xá, Dương Hà (huyện Gia Lâm) đang hằng ngày phải đối mặt với tình trạng từng đoàn xe tải trọng lớn xuất phát từ Bến Lời chở vật liệu xây dựng, hàng hóa rầm rập chạy qua băm nát tuyến đường Ỷ Lan. Ngoài ra, tại Bến Lời còn diễn ra hoạt động khai thác cát trái phép…
Khổ vì xe quá tải
Theo phản ánh của người dân xã Đặng Xá, Dương Hà (huyện Gia Lâm), tuyến đường Ỷ Lan đã có nhiều biển báo "Cấm xe trọng tải 10 tấn trở lên hoạt động", nhưng thời gian gần đây, hằng ngày nhiều xe tải chở vật liệu xây dựng có trọng tải trên 10 tấn vẫn lưu thông. Các xe này phần lớn lấy hàng từ Bến Lời ven Sông Đuống, đi với tốc độ cao khiến người dân cảm thấy vô cùng bất an. Đáng lo ngại nữa là dọc đường Ỷ Lan có tới 4 trường học, trong đó có 2 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS.
Xe tải quá 10 tấn chạy từ Bến Lời ra tuyến đường Đê Vàng. |
Ngày 18-11-2015, phóng viên có mặt tại khu vực Bến Lời, tận mắt thấy nhiều xe tải, thậm chí cả xe container tập kết tại đây. Dọc bờ sông là các bãi cát khổng lồ cùng hệ thống cần cẩu xúc vật liệu hối hả làm việc. Con đường dẫn vào bến lồi lõm, bụi cát phủ trắng xóa cây cối bên đường... Người dân cho biết, do các lực lượng chức năng kiểm tra gắt gao tải trọng trên quốc lộ 5 vào ban ngày nên hoạt động của bến và vận chuyển hàng hóa chủ yếu diễn ra vào ban đêm…
Khó xử lý?
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Bến Lời hiện có 3 doanh nghiệp đang hoạt động là Công ty TNHH Kinh doanh vật tư và Vận chuyển Hà Trang (Công ty Hà Trang), Công ty TNHH Đầu tư xây dựng An Thịnh (Công ty An Thịnh) và Công ty TNHH Gia Lâm (Công ty Gia Lâm). Các doanh nghiệp này đều được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thuê đất. Theo đó, Công ty Hà Trang được thuê 4.441m2 với giá hơn 22,2 triệu đồng/năm, Công ty An Thịnh được thuê 16.893m2 với giá thuê trên 42,2 triệu đồng/năm và Công ty Gia Lâm được thuê 1.400m2. Mặc dù trong hợp đồng với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, các doanh nghiệp được thuê đất chỉ sử dụng bến bãi để trung chuyển vật liệu xây dựng, thế nhưng trong thời gian qua Bến Lời đã biến thành "bến cảng" vận chuyển đủ loại hàng hóa, thậm chí còn ngang nhiên tổ chức khai thác cát lậu trên Sông Đuống.
Được biết, năm 2012, UBND xã Đặng Xá đã có văn bản thông báo nghiêm cấm khai thác và kinh doanh vật liệu xây dựng tại khu vực Bến Lời trong mùa mưa lũ kể từ ngày 25-7 đến 15-10 hằng năm, đồng thời hạ thấp công trình theo quy định không để ảnh hưởng đến việc thoát lũ của dòng chảy. Đối với các mặt hàng dễ cháy nổ, các đơn vị, tổ chức cam kết di dời ra khỏi vùng bãi sông trước khi mực nước sông lên cao gây ngập. Theo lãnh đạo UBND xã Đặng Xá, tình trạng xe quá tải chạy trên tuyến đường Ỷ Lan là có thật, các xe này chạy từ xã Cổ Bi đến Khu đô thị Việt Hưng nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng. UBND xã đã nhiều lần báo cáo lên UBND huyện, đồng thời có văn bản đề nghị lực lượng Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông, Công an huyện Gia Lâm phối hợp để xử lý, đến nay đã giảm nhưng chưa triệt để.
Trong buổi làm việc với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Đỗ Cảnh, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gia Lâm thừa nhận: Tại Bến Lời, 3 doanh nghiệp ngoài việc hoạt động trung chuyển vật liệu xây dựng còn vận chuyển hàng hóa khác như: ngô, sắn, thép…Vừa qua, UBND huyện Gia Lâm đã yêu cầu các đơn vị chức năng kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của 3 doanh nghiệp, nếu phát hiện có vi phạm sẽ xử lý. Đối với tình trạng xe chở quá tải, quá khổ hoạt động trên đường Ỷ Lan, UBND huyện đã giao cho Công an huyện và Thanh tra giao thông huyện Gia Lâm kiểm tra, xử lý. Hiện tại trên địa bàn huyện Gia Lâm chưa đơn vị nào được cấp phép khai thác cát. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, Công an huyện đã bắt giữ được một số trường hợp khai thác cát lậu. Việc bắt giữ các đối tượng khai thác cát trái phép rất khó khăn vì lực lượng chức năng của huyện không có phương tiện…
Đề nghị các cơ quan chức năng, chính quyền huyện Gia Lâm khẩn trương kiểm tra, xử lý những vi phạm về sử dụng bến bãi sai mục đích và xe chở quá tải, quá khổ hoạt động tại khu vực Bến Lời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.