(HNMO) - Tuần qua (từ 6 – 10/2), mặc dù vào 2 phiên giao dịch (đầu tuần và cuối tuần) trên cả 2 sàn chứng khoán Hà Nội và TP HCM đều có sự điều chỉnh đi xuống, nhưng trong cả tuần giao dịch thị trường diễn biến khá sôi động với thanh khoản tăng rõ rệt.
Sau khi tăng điểm liên tục trong gần 3 tuần liền trước đó, phiên đầu tuần qua (6/2/2012) VN – Index đã có sự điều chỉnh đi xuống, tuột khỏi mốc 400 điểm. Trên sàn Hà Nội HNX-Index giảm 0,36 điểm xuống 61,49 điểm. Đây là sự điều chỉnh cần thiết của thị trường, bởi sau một chuỗi ngày dài liên tục tăng điểm, đương nhiên sẽ diễn ra trạng thái chốt lời với áp lực bán ra lớn. Mặc dù không ít NĐT dự đoán trước được sự điều chỉnh này, nhưng họ vẫn bình tĩnh mua vào khiến thanh khoản của thị trường vẫn còn khá tốt (sàn HOSE đạt gần 430 tỷ đồng; HNX đạt 285 tỷ đồng). Chỉ số chứng khoán của “rổ VN30” (VN30 Index) mới ra mắt cũng bị giảm theo ngay trong đợt điều chỉnh này của thị trường (giảm gần 2 điểm, còn 447,47 điểm).
Đúng như nhận định của HNMO, ngay sau phiên đảo chiều đầu tuần, ở 2 phiên giao dịch tiếp theo (7 và 8/2) thị trường đã lấy ngay lại “phong độ” đi lên. Đặc biệt trong phiên ngày 8/2 VN – Index tăng mạnh tới hơn 8 điểm, và với sự bứt phá của nhiều mã CP Bluechip, VN30 Index tăng tới hơn 11 điểm; Trên sàn Hà Nội HNX –Index cũng tăng tới 1,21 điểm với các mã CP ngân hàng, chứng khoán (như ACB, BVS, KLS, VND…) đều tăng giá trần. Thanh khoản tăng mạnh tới gần 640 tỷ đồng trên sàn HOSE và hơn 369 tỷ đồng trên sàn Hà Nội. Đây có thể là con số khá khả quan để chuẩn bị cho đợt sóng mới trên thị trường…
Trận “Giằng co quyết liệt” diễn ra ngày 9/2 là cuộc thử sức gay go giữa Cung và Cầu trên thị trường. Vào cuối phiên sức cầu lớn đã vấp phải áp lực bán ra chốt lời rất mạnh với các lệnh bán CP tới cả chục ngàn đơn vị/mã. Mặc dù bên Mua thắng thế với kết quả là cả 2 chỉ số chứng khoán đều “vượt cạn” thành công, nhưng sức mua đã bị yếu đi rõ rệt. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận tại phiên giằng co này là thanh khoản của thị trường tăng rất mạnh ( hơn 770 tỷ trên sàn HOSE và hơn 444 tỷ trên sàn Hà Nội), cao nhất trong vòng 3 tháng qua. Đây là dấu hiệu cho thấy các “ông lớn” đã bắt đầu vào cuộc và có thể thị trường đã có xu hướng hồi phục dần. Việc tăng lượng mua vào của khối ngoại cũng là dấu hiệu cho thấy tính khả quan của thị trường. Tuy nhiên, các NĐT nước ngoài chỉ nhắm vào một số cổ phiếu vốn hóa lớn như MSN, BVH, VIC, VNM…
Không ít NĐT nhỏ lẻ tỏ ra lo ngại về hiện tượng điều chỉnh xuống khá mạnh ở phiên giao dịch cuối tuần (VN – Index mất hơn 6 điểm), nhưng theo một chuyên gia phân tích thị trường có kinh nghiệm thì hiện còn không ít những tín hiệu tốt cho thị trường tuần tới, bởi lẽ thị trường chứng khoán Thế giới vẫn đang khởi sắc với những thông tin tốt tiếp tục xuất hiện tại Hy Lạp. NĐT nước ngoài vẫn tăng lượng mua ròng, nguồn tiền vẫn tiếp tục được đổ vào chứng khoán… Nhưng điều quan trọng nhất là cho tới thời điểm này giá nhiều cổ phiếu trên sàn vẫn được đánh giá là còn rất rẻ so với tiềm năng thật của nó trong tương lai. Chính vì vậy, rất có thể phiên giao dịch cuối tuần qua là một sự điều chỉnh cần thiết cho một đợt sóng mới trên thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.