(HNM) - Tình trạng ô nhiễm môi trường, sự thay đổi thời tiết đột ngột làm cho tình trạng dị ứng cũng xuất hiện nhiều hơn.
Đến với chương trình, chị T. H ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết chị bị dị ứng da do thời tiết từ khi còn nhỏ. Mỗi khi trời lạnh, chị thường bị phát ban, sưng ngứa rất khó chịu. Sau khi sinh con, bệnh càng nặng hơn. Chỉ cần ra ngoài gió, chị đã bị nổi ban. Tuy vậy, do không có thời gian, ngại đi khám nên chị chỉ ra hiệu thuốc mua thuốc về uống nhưng cũng chỉ khỏi được 2 hôm rồi bị lại.
Khám và tư vấn miễn phí bệnh viêm mũi dị ứng cho người dân tại Hà Nội. |
Còn chị P.T.N ở huyện Mê Linh, Hà Nội, bị viêm xoang, mỗi khi thay đổi thời tiết, chị thấy đau nhức vùng mũi, đau đầu làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và công việc. Chị chỉ biết mình bị viêm xoang chứ không biết đó là một bệnh có liên quan đến dị ứng nên không điều trị dị ứng.
Theo các bác sỹ, dị ứng không thường xuyên gây nguy hiểm, tuy nhiên chính sự chủ quan và điều trị lệch hướng của người bệnh khiến cho hậu quả từ bệnh không chỉ còn là những phiền toái, rắc rối trong cuộc sống hằng ngày mà còn có rất nhiều biến chứng nặng không hay xảy ra, kể cả tử vong. Nhiều bệnh nhân và ngay cả một số bác sỹ hay dược sỹ vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa bệnh cảm cúm với viêm mũi dị ứng, bởi chúng có các triệu chứng giống nhau liên quan đến mũi.
Để hạn chế tình trạng dị ứng, trước tiên, người bệnh cần tránh tiếp xúc với dị ứng nguyên đặc hiệu đã biết. Đó có thể là những loại cây trồng trong nhà, một số loại thức ăn, chó, mèo, thú cưng khác. Bệnh nhân tránh làm việc hoặc ngủ với máy lạnh, tắm đêm. Nên giữ nhà cửa sạch sẽ, diệt trừ gián, mạc nhà, côn trùng, nên đeo khẩu trang khi đi đường… |
Kiểm soát tốt dị ứng
Thực tế, để điều trị hiệu quả tình trạng dị ứng, ngoài việc uống thuốc phù hợp theo kê đơn của bác sỹ, chị T.H còn cần phải giữ ấm khi chuyển mùa, tránh để cơ thể bị tiếp xúc với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Khi cơ thể tiếp xúc thường xuyên với những chất, yếu tố gây dị ứng có thể làm nặng thêm, thậm chí còn có thể có nguy cơ bị sốc phản vệ gây chết người. Việc điều trị sớm, điều tra bệnh sử kỹ càng giúp khỏi bệnh cao và phòng ngừa được biến chứng nặng thêm của bệnh.
Cho đến nay, chưa có biện pháp nào chữa khỏi hoàn toàn bệnh dị ứng nhưng có vài loại thuốc có thể điều trị giúp giảm triệu chứng dị ứng. Đặc biệt, có các loại thuốc dạng viên và siro dành cho cả người lớn và trẻ em trên 2 tuổi được chứng minh là giải pháp hữu hiệu cho các trường hợp dị ứng viêm mũi dị ứng, mề đay mạn tính và các bệnh da do dị ứng, có thể giúp người bệnh dị ứng kiểm soát được bệnh và thoải mái làm việc trong suốt 24 giờ. Thuốc nhanh chóng phát huy hiệu quả trong vòng khoảng 30 phút sau khi uống, do vậy góp phần giảm bớt nỗi lo âu của người bệnh dị ứng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.