Khi các lực lượng cứu hộ đã từ bỏ mọi hy vọng tìm thấy người còn sống 17 ngày sau vụ sập nhà tại Bangladesh, hôm nay, một nữ nạn nhân đã được cứu thoát sâu bên dưới đống đổ nát trong tình trạng sức khỏe khá tốt.
Chỉ vài giờ sau khi cơ quan chức năng công bố số người thiệt mạng trong vụ sập tòa nhà Rana Plaza vượt 1000 người, các nhóm cứu hộ tại hiện trường đã ngỡ ngàng khi nghe tiếng kêu cứu yếu ớt của một phụ nữ bên dưới đống đổ nát.
Ngay lập tức một cuộc giải cứu khẩn trương được tổ chức với sự dõi theo của các kênh truyền hình đưa tin trực tiếp khắp Bangladesh. Rất đông người cũng đổ xô đến hiện trường chăm chú theo dõi và cầu nguyện cho nạn nhân.
Reshma Begum sống sót và được tìm thấy 17 ngày sau vụ nhà sập ở Bangladesh, nhờ thở qua một cái ống và ăn bánh quy lấy từ ba lô đồng nghiệp. Ảnh: AFP |
Sau khi được đưa ra khỏi đống đổ nát, nạn nhân này được nhanh chóng đưa lên xe cấp cứu tới bệnh viện trong trạng thái tỉnh táo.
Đại úy quân đội Bangladesh Ibrahimul Islam khẳng định với hãng tin AFP rằng tên của người phụ nữ trên là Reshma nhưng không biết họ của người này. Hãng tin AP thì cho biết tên đầy đủ của người phụ nữ may mắn này là Reshma Begum. “Cô ấy đã được đưa tới bệnh viện quân đội Savar và đang được điều trị trong khu chăm sóc đặc biệt. Cô ấy khá ổn”.
Người đứng đầu lực lượng cứu hỏa Bangladesh thì cho biết Reshma được tìm thấy tại một khoảng trống giữa một thanh rầm và một cột trụ trong đống đổ nát của tòa nhà, vốn bị sập từ hôm 24/4, và có vẻ như đã tìm được nước uống.
“Cô ấy có thể đã tìm được nước hoặc uống được số nước chúng tôi bơm vào tòa nhà”, ông Ahmed Ali nói.
Một sỹ quan quân đội, người đã đưa Reshma ra khỏi đống đổ nát cho biết đã tìm thấy cô đang đứng giữa đống đổ nát. “Đầu tiên chúng tôi nhìn thấ một đoạn ống nước di chuyển. Chúng tôi đã di chuyển một số gạch đá và bê tông. Và rồi chúng tôi thấy cô ấy đứng đó”, trung tá Moazzem khẳng định với kênh Somoy TV.
“Chúng tôi đưa cho cô ấy thức ăn và đảm bảo rằng cô ấy sẽ được giải cứu. Mất 45 phút công tác cứu hộ mới hoàn thành. Chúng tôi mở đường đưa cô ấy ra bằng búa nhẹ, cưa tay và máy khoan”.
Một trong những người tham gia giải cứu cho biết nạn nhân đã kêu cứu trong lúc các nhóm cứu hộ lục tìm bên dưới đống đổ nát. “Khi đang dọn dẹp, chúng tôi đã lên tiếng gọi xem có ai còn sống không”, nhân viên cứu hộ không rõ danh tính cho biết. “Sau đó chúng tôi nghe thấy cô ấy nói “xin hãy cứu tôi, xin hãy cứu tôi””.
Phát biểu với kênh Somoy TV, Reshma Begum cho biết cô đã nghe thấy tiếng của lực lượng cứu hộ trong vòng vài ngày gần đây. “Tôi đã nghe thấy tiếng các nhân viên cứu hộ vài ngày nay. Tôi cố dùng gậy và que sắt chọc vào các tấm bê tông để thu hút sự chú ý của họ”, Resham thuật lại từ giường bệnh.
“Nhưng không ai nghe thấy tôi, thật tệ. Tôi chưa bao giờ dám mơ sẽ được thấy lại ánh sáng. Quanh chỗ tôi có một số thức ăn khô. Tôi ăn đồ khô suốt 15 ngày. 2 ngày gần đây tôi không còn gì để ăn ngoại trừ nước. Tôi đã phải uống rất ít để tiết kiệm nước. Tôi tìm thấy vài chai nước gần mình”, nữ nạn nhân may mắn nói tiếp.
Cuối cùng cô đã thu hút được sự chú ý của các nhân viên cứu hộ khi dùng một ống thép và gõ nó, Abdur Razzak một sỹ quan quân đội đã nhìn thấy Reshma trong đống đổ nát cho biết.
Chứng kiến Reshma được đưa ra, rất nhiều người xung quanh hiện trường đã vỗ tay, hồ reo vang dội. Ông Razzak cho biết hiện Reshma đang trong tình trạng sức khỏe tốt ngạc nhiên và thậm chí có thể đi lại.
Các bác sỹ tại bệnh viện đang điều trị cho cô thì cho biết Reshma đã không còn bị nguy hiểm tới tính mạng. Các chức năng gan và thận của cô đều ổn cả.
Reshma cho biết lúc tai nạn xảy ra cô đang làm việc ở tầng hai. Thấy tòa nhà sắp sập cô đã chạy theo cầu thang bộ xuống tầng hầm và bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Còn có những người khác ở gần đó, nhưng họ đều đã chết.
“Reshma nói với tôi rằng có 3 người nữa ở cùng chỗ với cô ấy nhưng họ đã chết. Cô ấy không còn thấy ai sống sót ở đó”, trung tướng Chowdhury Hasan Suhrawardy, chỉ huy lực lượng quân đội địa phương khẳng định. Thi thể của những người này được tìm thấy trong một khu vực khác của tòa nhà, cách nơi Reshma bị mắc kẹt không xa.
Ngay khi hay tin về vụ việc thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã lên tiếng chúc mừng lực lượng cứu hộ. “Thủ tướng khẳng định đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ. Bà đã liên tục theo dõi tình hình và chúc mừng các nhân viên cứu hộ”, Mahbubul Hoque Shakil, một phụ tá đặc biệt của bà Hasina khẳng định với AFP.
Việc nữ nạn nhân nêu trên được giải cứu là một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong những năm gần đây, mặc dù đây chưa phải trường hợp sống sót nhiều ngày nhất sau thảm họa.
Tại Pakistan, vào ngày 12/12/2005, một phụ nữ 40 tuổi đã được giải cứu từ đống đổ nát trong căn nhà tại Kashmir 2 tháng sau khi ngôi nhà bị sập vì động đất. Mới đây hơn tại Haiti, một người đàn ông 27 tuổi cũng đã sống sót sau 27 ngày bị chôn vùi vì động đất.
Cùng ngày Reshma được giải cứu, người phát ngôn của quân đội Bangladesh cho biết tổng số người thiệt mạng đã lên tới 1045 người, khiến đây trở thành một trong những thảm họa công nghiệp tồi tệ nhất thế giới.
Cảnh sát đã bắt giữ tổng cộng 12 người trong đó có chủ công trình cùng 4 lãnh đạo của xưởng may đã ép các công nhân trở lại làm việc trong ngày xảy ra thảm họa dù đã thấy các vết nứt xuất hiện tại tòa nhà trước đó một ngày.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.