(HNMCT) - Với một nhà thơ ưa ngẫm nghĩ, tìm tòi, lật xoay đến tận cùng thì từ bất cứ hiện tượng nào của đời sống đều có thể bật ra thơ, thành thơ và có thể có thơ hay. Cho đến lúc ấy thì đề tài chỉ còn là một cái cớ, và không còn quá quan trọng nữa. Tôi tin như thế khi đọc bài thơ “Rụng răng” của nhà thơ Lê Đức Nghinh.
Làm được như thế trong làng thơ thế giới, làng thơ Việt Nam, không chỉ Lê Đức Nghinh. Cách đây đã lâu, B.Brecht - nhà thơ lớn người Đức, từng viết thi phẩm “Chờ thay lốp xe”: “Tôi ngồi xuống lề đường/ Chờ người lái xe thay lốp mới/ Nơi tôi ở không có gì chờ đợi/ Nơi tôi đi cũng chẳng có gì hơn/ Vì sao tôi vẫn trông/ Sốt ruột khi thay lốp?”. Có mỗi cái việc “chờ thay lốp xe” mà cũng có ngay một tứ thơ hay. Tất cả như một câu chuyện kể thường ngày về chuyện thay lốp mà nhiều người dễ bỏ qua, nhưng lại hàm chứa ý tứ là dù có thế nào thì con người ta vẫn phải đi, vẫn phải sống. Đi và sống là lẽ tất yếu, là bổn phận của con người.
Trở lại với Lê Đức Nghinh, “Rụng răng” là thơ năm chữ. Toàn bài chỉ có bốn khổ. Khi chia ly với cái răng rụng, ngay từ khổ đầu đã thấy nét ngậm ngùi và sự thấu hiểu tự bên trong: “Răng ơi… sao nỡ rụng/ Trơ lợi ngậm miệng cười/ Lưỡi lùa không thấy đụng/ Nỡ lìa nhau thật rồi”, và kề ngay đấy là hậu quả nhãn tiền kéo theo: “Đưa vào, nhai trệu trạo/ Miếng nào cũng chung chiêng/ Đau như ngây như dại/ Cố nuốt còn truồi lên”. Ở khổ thơ này, những từ “trệu trạo”, “chung chiêng”, “truồi lên” mang giá trị thực chứng và chỉ người nào mất răng mới rơi vào tình cảnh ấy, mới hiểu nông nỗi ấy. Khổ kết của “Rụng răng” rẽ sang một hướng khác với lối chơi chữ để đảo ý, nâng tầm bài thơ lên một tầng nấc mới: “Răng đi càng thấy lợi/ Lộc đầu năm đầy nhà”. Rồi tác giả lại bám vào chức năng/ chức phận của răng mà viết như để giải tỏa: “Người ta nhai chẳng xuể/ Ngồi một mình... thăng hoa”.
Nếu coi “Rụng răng” là ví dụ thứ nhất thì “Về bến sông mơ” là ví dụ thứ hai.
Tứ thơ lộ diện ngay từ bốn câu đầu: “Tìm bến quê ngày ấy/ Hiện về dòng sông mơ/ Con thuyền con run rẩy/ Chất đầy khoang dại khờ”. Cái “khoang dại khờ” ấy thật mong manh mà chất chứa nỗi niềm, chất chứa bao điều ước, chất chứa bao sự trôi dạt. Những “bến quê”, “dòng sông mơ”, “thuyền con run rẩy”, “khoang dại khờ” là những từ nên thơ và trong trẻo đến mức khó có thể nên thơ và trong trẻo thêm được nữa.
Bên cạnh “Rụng răng” và “Về bến sông mơ”, còn có thể kể thêm nhiều ví dụ nữa. Đó là “Hoa xuyến chi bên mộ mẹ” với “Lặng lẽ chùm hoa nắng/ Thắp trên mộ mẹ tôi/ Con ngồi nghe gió thở/ Cùng hoa, chiều mồ côi”. Là “Một góc Hoàng Thành” với “Hậu Lâu hoa vẫn nở/ Ngát hương đưa bốn mùa/ Hình như ai bước nhẹ/ Thức dậy từ hư vô”. Đó còn là “Mưa rã chiều” với “Tường nhà như mới xanh rêu/ Nghe ướt cả tiếng chim kêu đầu cành”. Đó là “Đò ơi” với “Nghẹn lòng sông chẳng buồn trôi/ Thèm nghe một tiếng đò ơi... gọi về”, là “Nhớ” với “Nhớ lắm thầy cô ngày mưa nắng/ Thương hóa trầm từng mẩu đất quê hương”, là “Tiếng thở dài” với “Đất quê mặn cả xứ nghèo/ Mưa như lệ chảy bao nhiêu kiếp người”...
Chưa hết. Trong “Bóng làng”, Lê Đức Nghinh còn sở hữu nhiều câu thơ đẹp như là một phần mỹ cảm không thể thiếu trong thơ ông. Đây là những câu thơ gắn với bến xưa, với sông quê, với làng, với mẹ: “Quanh tôi ngơ ngác hương đồng/ Chèo ai lướt nhẹ giữa dòng trăng loang/ Sông quê lay giấc trăng vàng...”, và “Mẹ gom khắp cánh đồng làng/ Con mơ mẹ quẩy trăng vàng về sân/ Đồng xa mót lại đồng gần/ In bao nhiều vết chân trần, mẹ ơi!”.
Nói cho cùng, “Bóng làng” không thể xa rời “giấc trăng vàng”, vì “giấc trăng vàng” không chỉ gắn bó với trăng, mà còn gắn bó với màu vàng của lúa, màu vàng của mùa màng, màu vàng của sự no ấm - niềm mơ ước của những người cả đời gắn bó với ruộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.