Chính phủ Anh cần một kế hoạch khẩn cấp để ứng phó với sóng nhiệt – “sát thủ thầm lặng” có thể cướp đi sinh mạng của 10.000 người mỗi năm ở quốc gia này.
Trong bối cảnh nhiệt độ ở Anh từng có thời điểm tăng trên 40 độ C và 2023 là năm nóng nhất thế giới ghi nhận, Ủy ban Kiểm toán Môi trường của Hạ viện Anh quan ngại về sự thiếu chuẩn bị để ứng phó với những đợt nắng nóng cực đoan, theo Tân Hoa xã ngày 1-2.
Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán môi trường Philip Dunne cho biết, thế giới đang nóng dần lên và nhiệt độ toàn cầu trong năm 2025 có thể vượt mức tăng hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Viễn cảnh này nếu xảy ra sẽ khiến những mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu càng trở nên khó đạt được.
Cũng theo ông Philip Dunne, nếu không có hành động kịp thời, những đợt nắng nóng cực đoan có thể gây ra 10.000 ca tử vong mỗi năm. Nhiệt độ cao cũng đang khiến nền kinh tế Anh thiệt hại khoảng 60 tỷ bảng/năm.
Tháng 7-2022, Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh lần đầu tiên ban hành cảnh báo nhiệt cấp 4 khi ghi nhận nhiệt độ lên đến 40 độ C. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia, ước tính 4.500 ca tử vong liên quan đến nắng nóng cùng năm.
Nhiệt độ cao làm tăng huyết áp và nhịp tim, từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc tử vong do mất nước và say nắng. Những người trên 65 tuổi và những người mắc bệnh nền nằm trong nhóm nguy cơ cao nhất.
Văn phòng Khí tượng, cơ quan thời tiết quốc gia của Vương quốc Anh, khuyến nghị đặt tên các đợt nắng nóng để giúp nâng cao nhận thức về các mối đe dọa. Các chuyên gia về biến đổi khí hậu cũng đồng tình rằng nhận thức của công chúng phải được thay đổi khẩn cấp.
Các khuyến nghị khác bao gồm xây dựng thêm nhiều công viên và cơ sở hạ tầng xanh. Điều này được đánh giá đặc biệt quan trọng ở các đô thị lớn như thành phố London vốn có thể ấm hơn 8 độ C so với những khu vực xung quanh.
Người phát ngôn của chính phủ cho biết, Anh đã đề ra kế hoạch 5 năm để ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng phục hồi quốc gia thông qua cải thiện cơ sở hạ tầng, thúc đẩy nền kinh tế xanh và bảo vệ sản xuất lương thực.
Anh là nền kinh tế lớn đầu tiên giảm một nửa lượng khí thải và đã thực hiện các bước quản lý rủi ro liên quan biến đổi khí hậu với những hệ thống cảnh báo mới về các đợt nắng nóng. Các chương trình quản lý đất môi trường của quốc gia này cũng hỗ trợ nông dân ứng phó tốt hơn với tình trạng nắng nóng.
Gần một nửa số ngôi nhà ở Anh hiện đạt hạng C về Chứng chỉ hiệu suất năng lượng, tăng từ mức chỉ 14% vào năm 2010. Anh cũng đang đầu tư hàng tỷ USD để bảo đảm các ngôi nhà và tòa nhà thậm chí còn tiết kiệm năng lượng hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.