Theo CNA, trong một báo cáo công bố ngày 30-8, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết biến đổi khí hậu có thể làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột ở các quốc gia dễ bị tổn thương và bị chiến tranh tàn phá, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn và GDP giảm đáng kể.
Hằng năm, Ngân hàng Thế giới (WB) điều chỉnh lại danh sách quốc gia được xếp vào loại "các quốc gia tổn thương và bị ảnh hưởng bởi xung đột", trong đó có 61 quốc gia có tên trong danh sách kể từ năm 2006 với 21 nước thuộc châu Phi.
Báo cáo của IMF chỉ ra rằng các cú sốc khí hậu không gây ra xung đột, nhưng chúng làm trầm trọng thêm tình trạng bất ổn hiện có, chẳng hạn như đói nghèo. Theo IMF, số ca tử vong do xung đột tính theo tỷ lệ dân số có thể tăng gần 10% ở các quốc gia bị tổn thương vào năm 2060, đồng thời cho biết thêm rằng biến đổi khí hậu cũng có thể đẩy thêm 50 triệu người ở các quốc gia này vào cảnh đói ăn vào năm 2060. Mặc dù bằng chứng về biến đổi khí hậu đang gia tăng sau khi nhiệt độ tăng cao kỷ lục trên khắp thế giới trong những tháng gần đây, ý chí chính trị để hành động đã bị xói mòn do sự yếu kém về kinh tế.
Trong bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo châu Phi cho rằng, các nước giàu nên cung cấp nhiều tiền hơn để giúp các nước nghèo thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi sang năng lượng xanh vì hầu hết các nước châu Phi chỉ tạo ra một phần nhỏ lượng khí thải gây hiện tượng nóng lên toàn cầu.
Các quốc gia này dự kiến sẽ cố gắng đạt được quan điểm đàm phán thống nhất tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi từ ngày 4 đến ngày 6-9 tới, trước hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 của Liên hợp quốc tại Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) bắt đầu vào cuối tháng 11 năm nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.