(HNM) - Tại hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM), lãi suất huy động VND tối đa đều được niêm yết ở mức 14%/năm, song trên thực tế, lãi suất thỏa thuận giữa NHTM và người gửi tiền đã lên đến 17-18%/năm, thậm chí 19%/năm. Cuộc đua
Mặc dù quy định trần lãi suất huy động VND không vượt quá 14% nhưng nhiều ngân hàng thương mại vẫn ngầm tăng vượt trần. Ảnh: Đàm Duy
Không công khai, nhưng "cuộc đua" lãi suất đang diễn ra khá sôi động trên thị trường tiền tệ, lãi suất huy động VND không còn duy trì ở mức 14%/năm như bảng niêm yết tại các NH. Mở màn cho "cuộc đua" này là một số NHTM cổ phần nhỏ, với lãi suất thỏa thuận chỉ khiêm tốn ở mức 14,5-15%/năm. Nhưng, trong hoạt động NH cũng luôn có sự cạnh tranh, khi một NH có động thái điều chỉnh lãi suất, những NH khác sẽ phải "ngó nghiêng" để theo xu hướng, vừa nhằm mục đích thu hút khách hàng mới, vừa giữ chân những khách hàng cũ. Từ mức 15%/năm, để có thể hấp dẫn khách hàng hơn, một số NH đã chấp nhận huy động với lãi suất lên đến 17-18%/năm, cá biệt có NH phải áp dụng mức lãi suất 19%/năm. Đại diện một NH cổ phần ở Hà Nội thừa nhận, NH này không thể giữ mức lãi suất huy động 14%/năm như quy định, mà cũng "buộc" phải tăng theo các NH khác.
Tuy nhiên, mức lãi suất "ngất ngưởng" này không áp dụng cho tất cả khách hàng, mà chỉ "ưu tiên" cho các khách hàng thân quen, hoặc khách hàng lớn có khoản tiền gửi từ 200 triệu đồng trở lên. Tùy mức tiền gửi mà khách hàng có thể thỏa thuận lãi suất khác nhau. Nếu gửi từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, lãi suất là 15-16%/năm; từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng, lãi suất có thể đạt 17-18%/năm, hơn 1 tỷ đồng là được thỏa thuận lãi suất lên tới 19%/năm...
Lãi suất khác nhau giữa các NH đã khiến tình trạng khách hàng rút tiền từ NH này để gửi tại NH khác đã xảy ra. Với những khách hàng lớn, nhân viên của các NH gọi điện chào lãi suất để "hút" khách. Với những khách hàng nhỏ hơn, thói quen cũng thay đổi. Nếu như trước đây, người gửi tiền khi đến NH chỉ cân nhắc kỳ hạn gửi, thì nay hầu hết người gửi tiền đều yêu cầu thỏa thuận lãi suất. Giữa khách hàng và nhân viên NH thường xuyên có cảnh "mặc cả" lãi suất.
Với NH, thay vì yêu cầu phải ký một bản thỏa thuận với lãi suất cộng thêm ngoài sổ tiết kiệm như trước đây, khách hàng và NH "kín đáo" hơn. Một số NH tổ chức bốc thăm trúng thưởng nhận tiền ngay, với mức thưởng tương đương lãi suất cộng thêm khoảng 3-4%/năm, tùy từng mức gửi. Các phiếu bốc thăm đều có giải thưởng bằng tiền. Có NH viết vào góc sổ tiết kiệm những con số thỏa thuận, chẳng hạn như 16, 17, 18 để "ngầm" thỏa thuận với khách hàng mức lãi suất thực mà khách hàng nhận được sẽ là tỷ lệ phần trăm tương ứng. Một NH có hội sở chính ở TP Hồ Chí Minh, nhưng chi nhánh ở Hà Nội có "chiêu" thỏa thuận lãi suất khá "độc". Ngoài sổ tiết kiệm ghi lãi suất 14%/năm, NH này mở thêm cho khách hàng 1 tài khoản tại chính NH, sau đó đưa cho khách hàng ký một văn bản với nội dung là nộp một khoản tiền tương đương với lãi suất cộng thêm là 4%/năm vào tài khoản đó, mà thực tế đó là khoản lãi suất thỏa thuận thêm do chính NH chuyển vào. Vậy là lãi suất thực mà khách hàng được hưởng là 18%/năm, nhưng khách hàng phải ký thêm một cam kết là không rút tiền trước hạn. Khách hàng chỉ cần gửi 1 tháng, với khoản tiền gửi từ 300 triệu đồng trở lên đã có thể hưởng mức lãi suất này. Với mức tiền gửi thấp hơn, lãi suất là 16-17%/năm. Không chỉ diễn ra ở các NHTM cổ phần nhỏ, mà tình trạng này còn diễn ra tại các NHTM nhà nước lớn, song các "chiêu" lách trần lãi suất khác nhau.
Lãnh đạo một NH cho rằng, lạm phát năm 2011 dự kiến ở mức cao, bởi chỉ trong 4 tháng đầu năm, lạm phát đã gần đạt 2 con số, nên nếu duy trì lãi suất huy động VND 14%/năm sẽ không thu hút người gửi tiền. Kênh gửi tiết kiệm chỉ hấp dẫn nếu lãi suất thực dương, tức là lãi suất tiết kiệm cao hơn lạm phát. Vì vậy, NH không còn cách nào khác là tăng lãi suất, nhưng vì "trần" lãi suất vẫn duy trì ở 14%/năm, nên NH phải "lách" bằng mọi cách.
Tuy nhiên, điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND cũng khiến lãi suất cho vay "leo thang" đến 23%/năm, thậm chí 24-25%/năm. Với mức lãi suất này doanh nghiệp khó có thể xoay xở, còn người tiêu dùng cũng phải cân nhắc khi vay tiền NH.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.