Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Sống lại" bầu khí quyển âm nhạc những năm 1940

Vân Hạ| 04/12/2022 22:37

(HNMO) - Sau hơn 3 năm kể từ tập du khảo âm nhạc đầu tiên được xuất bản, chiều 4-12, cuốn sách thứ hai khảo cứu về âm nhạc của Nguyễn Trương Quý đã ra mắt độc giả. “Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc” được đánh giá là công trình nghiên cứu độc đáo, có giá trị.

Đề tài âm nhạc được Nguyễn Trương Quý “khởi động” từ cuốn tản văn “Còn ai hát về Hà Nội” xuất bản năm 2013, nhưng phải đến “Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” anh mới thực sự đi sâu vào khảo cứu. Nối tiếp mạch phác thảo về một mảng hiện thực mà sử học thường ít chú ý trong cuốn du khảo này, đời sống giải trí đô thị Hà Nội tiếp tục là chủ đề được Nguyễn Trương Quý dày công nghiên cứu trong “Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc”. 

Nếu “Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca” viết về một “huyền thoại Đoàn Chuẩn trong một thời gian dài đã được đồng nhất với huyền thoại Hà Nội hào hoa xưa cũ” thì “Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc” tiếp cận những nhân vật có hành trình khác trong dòng chảy tạo dựng một không gian văn hóa đại chúng ở quy mô phức tạp hơn vào thập niên 1940.

Từng trang sách đưa độc giả đến “gặp” những nhân vật quan trọng trong đời sống văn nghệ và chính trị Việt Nam những năm 40 của thế kỷ trước, với Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Nguyễn Mỹ Ca, Trần Văn Khê, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng, Thế Lữ, Phan Huy Quát… Trong bối cảnh Đông Dương thuộc Pháp năm 1940, những người sinh viên và thanh niên chưa đến hai mươi tuổi đã viết những bài hát kể về chiến công xa xưa của các anh hùng dân tộc, kêu gọi tập hợp lực lượng kiến tạo một đất nước tương lai. Lưu Hữu Phước, Văn Cao cùng những nhạc sĩ tiền chiến đã tạo ra một bầu khí quyển âm nhạc sôi sục bằng những bài hát “thanh niên - lịch sử”, thúc giục một lớp người Việt Nam mới giành lấy chính quyền trong cao trào giải phóng dân tộc năm 1945. 

Với khối lượng thông tin lớn, tư liệu và sử kiện dày dặn được sắp xếp một cách tường minh để kể những câu chuyện đời, chuyện phố, chuyện âm nhạc đầy hấp dẫn, “Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc” được đánh giá là công trình nghiên cứu độc đáo, có giá trị, góp phần làm nên sức sống cho những địa chỉ, di tích như rạp Đại Đồng, Nhà hát Lớn Hà Nội… Theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, cuốn sách của Nguyễn Trương Quý không đơn giản là một cuốn nghiên cứu hay du khảo, mà thực sự là những dòng văn chương đẹp và những khám phá mang tính gợi cảm hứng, mở ra những cơ hội cho sáng tạo. 

Còn PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, thì cho rằng: “Có thể nói, từ "Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờ làm nên lời ca" đến "Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc", Nguyễn Trương Quý đã thực sự mở rộng giới hạn của mình. Quý vẫn giữ được sự cân bằng giữa sự hấp dẫn của câu chuyện với sự nghiêm cẩn của khảo cứu. Đọc khảo cứu của Quý là một cuộc hành trình tri thức đầy hấp dẫn, không chỉ từ những phát hiện độc đáo kết quả của sự tìm kiếm miệt mài trong khối tư liệu rất lớn mà còn từ cách dẫn dắt mạch nội dung với những “twist” đầy bất ngờ. Quý biết cách tiết chế để không lạm dụng những giai thoại (dù là có căn cứ) rất dễ biến cuốn sách thành một thứ “đạo thính đồ thuyết” bên lề của những nghiên cứu nghiêm cẩn, nhưng cũng biết cách tạo sức hấp dẫn cho biên khảo từ những chi tiết nhỏ nhất - như cách đặt các tiêu đề. 

Dày gần 500 trang viết, cuốn sách bao gồm 6 chương: Một tổng hội “tinh hoa”; Cuộc chiến của ngôn từ; Tiên cảnh và tục lụy; Thời khắc của cái siêu việt; Cuộc cạnh tranh của những người hùng; Một thập niên được chế tạo. Cuốn sách "Thời thanh xuân của tân nhạc ái quốc" do Nhà Xuất bản Trẻ giới thiệu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
''Sống lại" bầu khí quyển âm nhạc những năm 1940

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.