(HNM) - Sóng gió đã bất ngờ nổi lên giữa các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào những ngày cuối tuần sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong bài trả lời phỏng vấn tờ The Economist cho rằng cỗ máy quân sự này đang bị “chết não”. Giữa lúc môi trường an ninh quốc tế diễn biến phức tạp, ngôn từ mạnh mẽ của ông chủ Điện Elysee một lần nữa phơi bày những rạn nứt của định chế vừa trải qua sinh nhật lần thứ 70.
Theo Tổng thống Pháp E.Macron, đã không hề có sự phối hợp chiến lược nào giữa các thành viên NATO dưới sự dẫn dắt của Mỹ trong những diễn biến liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Syria vài năm qua. Đồng thời, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tiến hành những hoạt động làm tổn hại đến lợi ích các đồng minh. Đây là một vấn đề nghiêm trọng và NATO cần làm rõ các mục tiêu chiến lược của mình.
Nhà lãnh đạo Pháp cũng chỉ ra 3 nguy cơ lớn đối với châu Âu và cảnh báo, nếu Lục địa già không “tỉnh giấc”, không ý thức được tình hình hiện nay thì nguy cơ về ngắn hạn sẽ rất lớn. Đó là sự biến mất của châu Âu về mặt địa chính trị và nghiêm trọng hơn là mất đi sự kiểm soát đối với chính số phận của mình.
Phủ nhận quan điểm của nhà lãnh đạo Pháp, từ thủ đô Berlin, Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc họp báo chung với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã chỉ trích phát biểu mà bà cho rằng không phù hợp. Theo Thủ tướng A.Merkel, NATO đang và vẫn sẽ là nền tảng cho an ninh của các thành viên. Một NATO mạnh mẽ nằm trong lợi ích của cả Đức và châu Âu.
Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO J.Stoltenberg khẳng định tổ chức này vẫn đầy sức mạnh và Mỹ cùng châu Âu chưa bao giờ phối hợp tốt với nhau như hiện nay. Chia sẻ lập trường trên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh NATO là một trong những mối quan hệ đối tác chiến lược quan trọng nhất trong lịch sử xứ Cờ hoa.
Trên thực tế, nhìn lại chặng đường phát triển, không thể phủ nhận rằng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, khối quân sự này đã không ngừng mở rộng và lớn mạnh. Bắc Macedonia là quốc gia mới được đặt tên và đang trên đường trở thành thành viên thứ 30 trong khi nhiều nước khác cũng muốn gia nhập NATO.
Tuy nhiên, cùng với quá trình mở rộng, NATO cũng không tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề. Đặc biệt, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền, liên minh quân sự lớn nhất thế giới đã chứng kiến tình trạng “nội bộ lục đục” khi ông chủ Nhà Trắng thường có những chỉ trích nhằm vào đồng minh. Đích thân Tổng thống D.Trump đã gọi NATO là một tổ chức đã lỗi thời và không ít lần tuyên bố Mỹ sẽ rút khỏi khối.
Ngược lại, Pháp và Đức đã nhiều lần bày tỏ mối quan ngại về vai trò của NATO trong các chiến dịch triển khai quân tốn kém do Mỹ dẫn đầu, gây ảnh hưởng đến quan hệ với các quốc gia Arab hoặc làm gia tăng nguy cơ đối đầu quân sự với Nga ở Syria. Ngoài ra, “cuộc chiến” giữa Mỹ và châu Âu về đóng góp chi tiêu quốc phòng cũng cho thấy những rạn nứt ngày càng lớn của liên minh.
Thực tế trên khiến vai trò và năng lực của NATO bị đặt trước nhiều câu hỏi, buộc liên minh quân sự 70 tuổi phải nhìn nhận lại vị thế trong một thế giới đang biến động không ngừng. Việc không đạt được thống nhất trên nhiều lĩnh vực, bối rối trong chính sách an ninh, thiếu sự đoàn kết khi đối mặt với thách thức chung đã làm cho hình ảnh NATO suy yếu. Trong một số trường hợp, liên minh quân sự rộng lớn này bị biến thành công cụ của một vài quốc gia để phục vụ cho lợi ích riêng. Điều này chính là nguyên nhân khoét sâu sự chia rẽ trong khối.
Trong khi đó, các thách thức mà NATO phải đối mặt đang vượt xa những cuộc khủng hoảng truyền thống trong quá khứ. Vì vậy, những nhận xét mà Tổng thống Pháp E.Macron đưa ra có thể được xem là lời cảnh báo để NATO tìm kiếm cách thức cải thiện cơ chế hoạt động nhằm duy trì sự thống nhất và nâng cao vai trò toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.