(HNM) - Chính trường Israel, vốn đang căng thẳng sau những thất bại liên quan đến việc lập chính phủ mới, lại vừa thêm sóng gió khi Thủ tướng Benjamin Netanyahu bị truy tố với 3 tội danh gồm nhận hối lộ, gian lận và lạm dụng tín nhiệm. Quyết định mới nhất do Bộ trưởng Tư pháp Avichai Mandelblit đưa ra là hành động pháp lý đầu tiên nhằm vào một Thủ tướng đương nhiệm của Israel. Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của ông B.Netanyahu - nhà lãnh đạo cầm quyền lâu nhất tại Israel, liên tục kể từ năm 2009.
Hồi tháng 2 vừa qua, cảnh sát đã đề nghị Bộ trưởng Tư pháp A.Mandelblit truy tố hình sự Thủ tướng trong các cuộc điều tra kéo dài có tên là Vụ án 1000, 2000 và 4000. Theo đó, trong Vụ án 4000, ông B.Netanyahu bị tình nghi nhận các khoản hối lộ từ một cựu cổ đông nắm quyền kiểm soát Bezeq, công ty viễn thông lớn nhất của Israel, để làm lợi cho công ty này. Ở Vụ 1000, chính trị gia 70 tuổi và gia đình bị cáo buộc nhận các đồ xa xỉ như nữ trang, rượu, xì gà đắt tiền với tổng giá trị 1 triệu shekel (285.000 USD) từ nhiều nhân vật giàu có để đổi lấy các ưu đãi cá nhân hoặc tài chính trong giai đoạn 2007-2016. Trong Vụ 2000, các điều tra viên nghi ngờ Thủ tướng B.Netanyahu "bắt tay" với chủ bút của tờ báo bán chạy nhất Israel để đăng tải nhiều thông tin có lợi cho ông. Theo các nhà phân tích, vị thủ tướng tại nhiệm lâu nhất của Israel có thể phải đối mặt với án tù 10 năm nếu bị kết tội tham nhũng cùng mức án tối đa 3 năm vì tội lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm.
Phản ứng trước sự kiện này, người đứng đầu Chính phủ Israel đã phủ nhận mọi cáo buộc, khẳng định ông là nạn nhân của một “cuộc săn phù thủy chính trị” và không có nghĩa vụ pháp lý phải từ chức. Tuy vậy, bản cáo trạng có thể thúc đẩy những nhân vật đối lập cố gắng đánh bật nhà lãnh đạo này sau hai cuộc bầu cử chưa có hồi kết kể từ tháng 4-2019. Đối thủ chính trị của Thủ tướng B.Netanyahu trong đảng Likud, ông Gideon Sa'ar cho biết, muốn tổ chức bầu cử trong đảng để chọn ra chủ tịch mới nếu Israel phải tiến hành tổng tuyển cử lần ba, động thái được đánh giá là có thể dẫn tới việc ông B.Netanyahu mất chức người đứng đầu đảng Likud. Trong khi đó, Chủ tịch đảng Xanh - Trắng, ông Benny Gantz đăng tải trên Twitter cá nhân nhấn mạnh, "một thủ tướng đang bị điều tra không có tư cách hay sự tín nhiệm của công chúng để đưa ra các quyết định về sinh mệnh đất nước".
Sự việc càng thổi bùng bất ổn chính trị ở Israel khi quốc gia này có thể sẽ trải qua cuộc bầu cử thứ ba trong năm nay. Israel rơi vào bế tắc chính trị sau khi phải tổ chức bầu cử Quốc hội 2 lần chỉ trong vòng 5 tháng nhưng đến nay vẫn chưa thể thành lập được chính phủ mới. Trong cuộc bầu cử lần thứ hai hôm 17-9 vừa qua, hai đảng giành nhiều ghế nhất là đảng Xanh - Trắng (33 ghế) và đảng Likud (32 ghế) đều không đủ đa số ghế trong Quốc hội 120 ghế để tự lập chính phủ. Nhằm tránh nguy cơ phải tổ chức bầu cử lần thứ 3 liên tiếp, ngày 21-11, Tổng thống Israel Reuven Rivlin đã giao Quốc hội nước này tìm một thủ tướng mới để thực hiện nhiệm vụ thành lập nội các. Với quyết định đó, Quốc hội Israel sẽ có 21 ngày lựa chọn ra một nghị sĩ nhận được sự ủng hộ của ít nhất 61 nghị sĩ khác để có thể đảm nhận trọng trách trên. Nếu không ai đáp ứng được điều kiện này, Israel sẽ phải tổ chức bầu cử lần thứ ba trong vòng chưa đầy 12 tháng.
Vì vậy, một ẩn số có thể phá vỡ thế bế tắc hiện nay trên chính trường Israel là phán quyết của tòa án nước này vào đầu tháng tới liên quan tới những cáo buộc tham nhũng và lạm quyền nhằm vào Thủ tướng B.Netanyahu. Một kết luận bất lợi có thể gây ra những thách thức rất lớn đối với nỗ lực duy trì quyền lực của chính trị gia này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.