(HNM) - Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bước vào mùa mưa bão năm nay, UBND thị xã Sơn Tây đã chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, sẵn sàng thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống, tìm kiếm cứu nạn.
Xã Đường Lâm là một trong những địa phương thuộc vùng trọng điểm thiên tai của thị xã Sơn Tây... "Xã có 2 thôn là Hà Tân và Hưng Thịnh sinh sống lâu đời ngoài bãi sông Hồng. Nếu xảy ra mưa lớn, mực nước sông Hồng dâng cao thì khoảng 400 hộ dân, tương ứng 855 nhân khẩu ở hai thôn này bị ngập lụt, phải sơ tán vào trong đê...”, Chủ tịch UBND xã Đường Lâm Phan Văn Hòa nhận định tình huống thiên tai có khả năng xảy ra trên địa bàn.
Tương tự, các xã, phường của thị xã Sơn Tây như: Phú Thịnh, Ngô Quyền, Kim Sơn, Cổ Đông, Sơn Đông... đã rà soát và xác định trên địa bàn sẽ có hơn 5.000 hộ dân bị ngập lụt, phải sơ tán khi xảy ra tình huống mưa lớn trong nhiều ngày hoặc xảy ra sự cố đê các sông: Hồng, Tích; đập các hồ: Đồng Mô, Xuân Khanh...
Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho biết, đến thời điểm này, 15 xã, phường của thị xã đã xác định các tình huống thiên tai có khả năng xảy ra trên địa bàn. Trên cơ sở đó, các xã, phường đã xây dựng phương án, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư phục vụ công tác bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân...
Tìm hiểu thực tế tại các địa phương, phóng viên nhận thấy, các xã, phường: Đường Lâm, Ngô Quyền, Viên Sơn, Phú Thịnh... đã thành lập lực lượng tuần tra canh gác, bảo vệ đê sông Hồng, sông Tích. Các xã: Kim Sơn, Cổ Đông, Sơn Đông, Xuân Khanh... đang phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích kiểm soát, bảo đảm an toàn đập hồ: Đồng Mô, Xuân Khanh...
“Phường đã thành lập 1 đội tuần tra canh gác đê 12 người, lực lượng xung kích tập trung 25 người, các tổ giao thông hỏa tốc, lực lượng xung kích cơ động. Bên cạnh đó, phường đã hiệp đồng với xã Đường Lâm về nơi sơ tán khi xảy ra các tình huống thiên tai...”, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Thịnh Đặng Thành Nam thông tin.
Song hành nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, các xã, phường của Sơn Tây cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng phòng, chống thiên tai cho người dân... Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, phần lớn các hộ dân trên địa bàn thị xã tin tưởng giải pháp bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân trước thiên tai của các cấp, các ngành. Tuy nhiên, người dân mong muốn các cấp, các ngành của thị xã có thêm giải pháp phòng tránh lây nhiễm dịch Covid-19, nhất là trong tình huống phải sơ tán dân...
Liên quan vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Tạ Thanh Phong cho biết, các xã, phường trên địa bàn đang rà soát công trình, nhà ở bảo đảm kiên cố, đủ diện tích, để điều chỉnh phương án sơ tán dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và dịch Covid-19... “Để giảm tổn thất do thiên tai gây ra, phòng tránh lây nhiễm dịch Covid-19, người dân trên địa bàn thị xã cần tuân thủ quy định giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19; khẩn trương kiểm tra, gia cố nhà cửa, chặt tỉa cành cây xung quanh nhà ở; chuẩn bị vật tư, tích cực phối hợp với các cấp chính quyền trong nhiệm vụ bảo vệ hệ thống đê điều, công trình thủy lợi, di dời người và tài sản đến nơi an toàn...”, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Tạ Thanh Phong nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.