(HNM) - Để khuyến khích, thúc đẩy phát triển sự nghiệp văn hóa - xã hội, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 11/2015/QĐ-UBND ngày 19-5-2015 về chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, sau 5 năm triển khai, việc thực hiện chính sách cho thuê đất, chính sách thuế ưu đãi trong khuyến khích xã hội hóa lĩnh vực giáo dục còn nhiều khó khăn.
Theo Cục Thuế thành phố Hà Nội, việc giải quyết miễn giảm tiền thuê đất đối với một số dự án xã hội hóa lĩnh vực giáo dục còn vướng do chính sách, quy định pháp luật “vênh” nhau, tạo nên "điểm nghẽn". Cụ thể, các dự án thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, quyền thuê đất không được áp dụng miễn giảm tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 9-9-2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước. Vì thế, việc cho thuê đất ở những địa bàn trung tâm - vốn đông học sinh nhưng thiếu trường học, rất khó khả thi do mức đầu tư lớn, trong khi đơn vị đầu tư không được hưởng chính sách ưu đãi.
Đối với khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách trong thực hiện miễn, giảm tiền thuê đất, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản kiến nghị với Bộ Tài chính nhưng đến nay chưa có câu trả lời cuối cùng.
Có thể thấy, chính sách xã hội hóa lĩnh vực giáo dục là chủ trương đúng, góp phần thu hút nguồn lực xã hội cho công tác này; đồng thời, cũng góp phần giảm tình trạng thiếu trường, lớp tại nhiều địa phương. Vì thế, "điểm nghẽn" đang đặt ra rất cần được thành phố phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ sớm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.