(HNM) - Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy, biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của người Việt tồn tại khá phổ biến trong các di tích.
Kết quả kiểm tra bước đầu cho thấy, biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của người Việt tồn tại khá phổ biến trong các DT.
Đôi sư tử đá ở đình Mộ Lao (Hà Đông). |
Quá nhiều hiện vật lạ
Mặc dù các DT Đoàn tới kiểm tra không nằm trong danh sách "đen" mà các phương tiện truyền thông phản ánh thời gian gần đây nhưng đến đâu Đoàn kiểm tra cũng phát hiện những hiện vật lạ. Tại chùa Gia Quất (phường Thượng Thanh, Long Biên), đôi sư tử đá mang yếu tố ngoại lai (nhà chùa gọi là đôi nghê) nằm "oai phong" trước cổng. Trong sân, tượng Bồ Tát bạch y "đứng" ở vị trí trang trọng. Đáng nói hơn, hệ thống đèn lồng có chữ nước ngoài, đèn nhấp nháy được lắp đặt ở nhiều nơi, nhìn phản cảm và ít nhiều ảnh hưởng tới không gian tôn nghiêm nơi cửa Phật. Tương tự, đình, chùa Mộ Lao (phường Mộ Lao, Hà Đông) là điểm "tụ hội" của những hiện vật lạ và mới. Ngoài hệ thống hoành phi, câu đối dày đặc, không rõ nội dung, đèn hoa và lọ lục bình quá nhiều khiến cho không gian đình Mộ Lao trở nên ngột ngạt. Đôi sư tử đá trước cổng đình tuy đã "nhuốm màu thời gian" nhưng vẫn thiếu yếu tố truyền thống. Chùa Mộ Lao nằm cách đình vài chục bước chân - đồng thời là Trường Trung cấp Phật học Hà Nội - có tới con 4 sư tử đá lớn, hai con "án ngữ" ngoài cổng, hai con "canh giữ" trước cửa chùa; ngoài ra, có hai pho tượng Bồ Tát bạch y, hai quả cầu đá. Trong chùa Mộ Lao, dãy tượng Phật Dược sư trước tòa Tam Bảo mới tinh, bài trí không hợp lý, còn chiếc đỉnh thì bị đặt ngược… Bên cạnh đó, Đoàn kiểm tra đánh giá, việc bài trí đồ thờ tự trong DT chùa Gia Quất, đình và chùa Mộ Lao đều chưa hợp lý, nếu không nói là có phần tùy tiện, lộn xộn.
Ngoài những DT kể trên, hiện vật lạ còn tồn tại ở rất nhiều DT khác như ở chùa Diên Hựu - Một Cột (Ba Đình), đền Và (Sơn Tây), đền Hạ (xã Minh Quang, Ba Vì) thờ Tản Viên Sơn Thánh - vị thánh đứng đầu trong "Tứ Bất tử" theo quan niệm dân gian của người Việt, chùa Tam Bảo (Tây Hồ), Bích Câu Đạo quán (Đống Đa)…
Di dời trong thời gian sớm nhất
TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo khẳng định: Đình, chùa Việt vốn không có sư tử đá canh cổng. Đến thế kỷ XVII-XVIII, sư tử đá bắt đầu xuất hiện ở các đền và lăng tẩm, được chạm khắc với tính cách điệu cao chứ không phản cảm như hình ảnh chúng ta thường thấy. Sư tử đá xuất hiện nhiều tại các DT hiện nay chẳng qua là sự học đòi, a dua, thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân. Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh, một số nơi đưa sư tử đá ngoại lai vào chùa vì cho rằng có liên quan Phật giáo là sự nhầm lẫn. Sư tử đá, kỳ lân đá hoàn toàn không có trong Phật giáo truyền thống. Trong Phật giáo, nơi các nhà sư thuyết pháp tại các chùa được gọi sư tử tòa, đó là một tên gọi chứ không phải nói đến một con sư tử đá nào cả.
Sự xuất hiện của những hiện vật lạ trong DT chùa Gia Quất, đình, chùa Mộ Lao và nhiều DT khác dù là những hiện vật cung tiến, thể hiện tấm lòng của Phật tử thập phương tuy rất đáng trân trọng nhưng không phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt thì vẫn phải loại bỏ. Quyết tâm "dọn dẹp" hiện vật lạ trong di tích, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên cho biết, Bộ sẽ tiếp tục thành lập một số đoàn kiểm tra, phối hợp với các địa phương "thị sát" DT. Riêng với chùa Gia Quất, đình, chùa Mộ Lao, Thứ trưởng đề nghị chính quyền địa phương di dời những hiện vật không phù hợp trong thời gian sớm nhất.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, sư trụ trì chùa Gia Quất khẳng định, chậm nhất đến ngày 26-8, nhà chùa sẽ cho "bứng" đôi sư tử đá trước cổng, sắp xếp, bài trí lại nơi thờ tự. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Long Biên Nguyễn Thị Vân Anh cho biết, với trách nhiệm trực tiếp quản lý DT trên địa bàn, ngay trong tuần tới, quận sẽ mời sư trụ trì các chùa, đại diện BQL DT, cán bộ các phường để phổ biến, hướng dẫn triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa; quy định về việc không sử dụng linh vật, sản phẩm, biểu tượng không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Tương tự, quận Hà Đông sẽ ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tất cả các phường trên địa bàn; Phòng VH-TT quận cũng sẽ tiến hành kiểm tra từng DT. Việc di dời những hiện vật mới, lạ ở đình, chùa Mộ Lao dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 15-9 tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.