(HNM) - Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 với rất nhiều điểm mới. Trong đó, đáng chú ý là quy định đánh giá chất lượng công chức, viên chức thông qua công việc, sản phẩm cụ thể; xóa bỏ chế độ “biên chế suốt đời”, cắt hợp đồng với viên chức không đạt yêu cầu sau thời gian thử việc... Nhiều ý kiến đã bày tỏ sự ủng hộ, cho rằng đây là những quy định cần thiết và sẽ sớm loại bỏ khỏi bộ máy những công chức, viên chức chây ỳ, chậm đổi mới...
Ông Đỗ Ngọc Anh, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy):
Phải nỗ lực phấn đấu nếu không muốn bị đào thải
Tôi hoàn toàn ủng hộ những nội dung trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, đặc biệt là việc xóa bỏ chế độ viên chức suốt đời và quy định công khai đánh giá chất lượng cán bộ, công chức tại nơi làm việc. Với việc thay thế hợp đồng làm việc không xác định thời hạn bằng hợp đồng làm việc xác định thời hạn; tăng thêm trường hợp viên chức bị đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc... sẽ buộc đội ngũ viên chức phải luôn nỗ lực, phấn đấu, đổi mới trong công việc nếu không muốn bị đào thải vì chây ỳ.
Bên cạnh đó, việc luật hóa quy định về tiếp nhận công chức không qua thi tuyển, xét tuyển và đưa thêm đối tượng xét tuyển công chức là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng cũng tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong khâu tuyển dụng, góp phần giúp các cơ quan, đơn vị “chuẩn hóa” công tác tuyển dụng cán bộ.
Ông Nguyễn Danh Hải, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng):
Bước tiến trong tuyển dụng, giám sát, đánh giá cán bộ
Tôi đánh giá Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có quy định nghiêm hơn về tiêu chuẩn cán bộ công chức, viên chức nhưng điều này nhằm mang lại hiệu quả công việc cao hơn, hướng tới phục vụ nhân dân tốt hơn. Đặc biệt, việc xóa bỏ “biên chế suốt đời” đối với viên chức giúp xóa đi khoảng cách giữa người lao động trong đơn vị sự nghiệp công lập và đơn vị ngoài công lập.
Từ trước đến nay, chúng ta thường đề cập đến thực trạng bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả; nhiều địa phương tuyển dụng nhân sự yếu kém, không đủ trình độ chuyên môn để đảm nhận vị trí công việc. Do đó, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi với những quy định mới chặt chẽ hơn, là một bước tiến trong công tác tuyển dụng, giám sát và đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thông qua công việc cụ thể; giảm sức ỳ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Bình, tổ dân phố Phố Huyện, thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai):
Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực hoàn thành công vụ
Ngay từ chính sách lựa chọn người có tài năng trong hoạt động công vụ được quy định trong luật đã cho thấy chủ trương thu hút và trọng dụng nhân tài vào bộ máy công quyền của Nhà nước. Các tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được xem xét trên nhiều khía cạnh: Từ ý thức chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; quy chế làm việc của cơ quan, tổ chức đơn vị, kết quả thực hiện công việc... đến đạo đức nghề nghiệp và tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân...
Trong đó, việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức hằng năm; cho thôi việc đối với công chức có 2 năm liên tiếp xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ... sẽ tạo động lực để công chức, viên chức đã được tuyển dụng phải liên tục phấn đấu, nâng cao trình độ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ đó, xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong sạch, đủ năng lực hoàn thành nhiệm vụ.
Đảng viên Trần Trúc Thanh, 57 năm tuổi Đảng, Chi bộ 8, phường Trung Liệt (quận Đống Đa):
Khắc phục sự cảm tính, nể nang trong đánh giá công chức, viên chức
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sẽ góp phần đổi mới, sắp xếp bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giúp họ có điều kiện phát huy hết năng lực của mình. Từ đây, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức cũng được phát huy cao nhất.
Đáng chú ý, luật quy định hình thức xét nâng ngạch đối với các trường hợp có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm. Tôi tin rằng, quy định mới này sẽ tạo ra động lực để mỗi công chức nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.