(HNMO) - Sáng 19-4, Báo Người Lao động tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, nhằm góp phần đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh.
Tại tọa đàm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, hằng năm, hệ thống ngân hàng đưa ra nền kinh tế 1,4-1,5 triệu tỷ đồng, 45% trong đó là vốn trung, dài hạn. Như vậy, nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế rất lớn. Ước tính giai đoạn 2022-2025, nền kinh tế cần 3,15 triệu tỷ đồng/năm để đầu tư toàn xã hội, trong khi vốn nhà nước chỉ chiếm 25-26%, còn lại phải huy động nguồn lực bên ngoài.
Tuy nhiên, theo ông Cấn Văn Lực, thị trường trái phiếu hiện nay vẫn còn rất non trẻ, chỉ phát triển tương đối nhanh, mạnh khoảng 5 năm trở lại đây. Vốn huy động qua thị trường chứng khoán gồm cả cổ phiếu và trái phiếu tương đương 26% tổng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế. Trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 22,7% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế mỗi năm, còn nguồn vốn huy động qua phát hành cổ phiếu chỉ chiếm 3,5% tổng lượng vốn đưa ra nền kinh tế. Do đó, thị trường trái phiếu còn nhiều dư địa phát triển.
Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á Huỳnh Anh Tuấn nêu hiện trạng, thời gian qua, việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ không cần xin phép, chỉ cần lập phương án, kêu gọi đầu tư là có thể phát hành, cho thấy hình thức phát hành này quá dễ. Hầu hết doanh nghiệp bất động sản đều chọn phát hành riêng lẻ và chọn kênh phân phối tiếp theo để chuyển tiếp trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân… Do đó, cần có quy định để kiểm soát được điều kiện phát hành trái phiếu, tránh việc các tập đoàn không đứng ra phát hành mà chỉ sử dụng công ty con - là hình thức mượn kẽ hở của pháp luật.
Bàn về chính sách, Tiến sĩ Lê Đạt Chí, Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho hay, dự thảo sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế đang thu hút sự quan tâm của dư luận và thị trường sau những sự vụ “nóng” vừa qua. Điều này cho thấy việc hoàn thiện chính sách là hết sức cần thiết.
Các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp… cũng đã trao đổi, phân tích thẳng thắn, đồng thời, hiến kế các giải pháp nhằm góp phần đưa thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, trở thành kênh huy động vốn hiệu quả.
Nếu năm 2017, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 4,9% GDP, đến năm 2021, con số này đã tăng lên tới 16,6% GDP. Theo mục tiêu tại Nghị quyết 54 về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 vừa được Chính phủ ban hành, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ đạt khoảng 20% GDP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.