Tài chính

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Chuyển biến tích cực

Hương Thủy 18/11/2023 - 06:35

Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp - kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho các doanh nghiệp và nền kinh tế - đã có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới tăng đáng kể. Để phát triển thị trường này, nhiều giải pháp sẽ được triển khai trong thời gian tới.

4.jpg
Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là một trong những tổ chức phát hành có giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đăng ký giao dịch lớn. Ảnh: Đỗ Tâm

Giá trị giao dịch bình quân gấp 2,5 lần

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, trong tháng 10-2023, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 41 nghìn tỷ đồng, tăng 17 nghìn tỷ đồng so với tháng 9. Trong 10 tháng năm nay có 70 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với khối lượng 180,4 nghìn tỷ đồng, giảm 45,1% so với cùng kỳ năm 2022; khối lượng mua lại trước hạn là 190,7 nghìn tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB, trong 10 tháng qua, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp bình quân đạt 8,7%, cao hơn so với mức trung bình 7,9% của năm 2022. Hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp tích cực dần từ tháng 6. Từ đầu năm 2023 đến nay, ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất với gần 94 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 47% so với tổng giá trị. Giám đốc khối nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán MB Trần Thị Khánh Hiền cho rằng, các ngân hàng tích cực phát hành trái phiếu trong quý III-2023 nhằm đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 34% xuống 30%, áp dụng từ ngày 1-10-2023. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu ngân hàng là 6,8%/năm, kỳ hạn bình quân 4,5 năm. Những ngân hàng giá trị phát hành lớn là Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Á Châu, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phương Đông.

Nhóm doanh nghiệp bất động sản cũng có tín hiệu tích cực trên thị trường trái phiếu khi có tổng giá trị phát hành đạt 73 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm tỷ trọng 36%. Các doanh nghiệp bất động sản phát hành giá trị lớn nhất có: Công ty TNHH Capitaland Tower (12,2 nghìn tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển đô thị Hưng Yên (7,2 nghìn tỷ đồng), Công ty cổ phần Vinhomes (5 nghìn tỷ đồng).

Không chỉ phát hành mới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tập trung sau 3 tháng đi vào hoạt động cũng đạt kết quả khả quan. Theo số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tổng khối lượng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ toàn thị trường trong tháng 10 đạt 102.685.383 trái phiếu, tương ứng giá trị giao dịch 29.292,27 tỷ đồng. Bình quân, khối lượng giao dịch đạt hơn 4,66 triệu trái phiếu/phiên, giá trị giao dịch đạt hơn 1.331,47 tỷ đồng/phiên, gấp 2,5 lần so với tháng 9. Trong đó, giá trị giao dịch cao nhất là trái phiếu Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt với 3.827,1 tỷ đồng, trái phiếu Công ty TNHH Kinh doanh nội thất Luxury Living với 3.469,5 tỷ đồng, trái phiếu Công ty cổ phần Sản xuất và kinh doanh Vinfast với 2.226 tỷ đồng, trái phiếu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam với 2.033,1 tỷ đồng...

Nhiều giải pháp để phát triển thị trường

Có thể thấy, thị trường trái phiếu đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại. Đó là nhờ Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ngừng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được ban hành, cùng với đó Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có nhiều động thái tích cực tháo gỡ vướng mắc, bất cập cho thị trường. Kể từ khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực (từ ngày 5-3-2023), khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt 179,5 nghìn tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 10-2023, có tổng cộng 451 mã trái phiếu doanh nghiệp của 114 tổ chức phát hành đăng ký giao dịch trên hệ thống tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong đó có 334 mã trái phiếu doanh nghiệp đăng ký giao dịch trong tháng 10. Các tổ chức phát hành có giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đăng ký giao dịch lớn nhất gồm Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh với 21.920 tỷ đồng/27 mã trái phiếu, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam 19.950 tỷ đồng/10 mã trái phiếu, Ngân hàng TMCP Quân đội 18.305 tỷ đồng/42 mã trái phiếu, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam 14.955 tỷ đồng/35 mã trái phiếu và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam 13.255 tỷ đồng/20 mã trái phiếu.

Để giữ ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Phó Chủ tịch ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn cho biết, Ủy ban sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật; tăng cường quản lý, giám sát, xử nghiêm các sai phạm… Còn Bộ Tài chính cho hay, Bộ đã báo cáo Chính phủ 7 nhóm giải pháp điều hành và đã được Chính phủ phê duyệt. Trong đó, Bộ đề xuất thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản; tổ chức thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát. Các bộ, ngành sẽ rà soát, hoàn thiện quy định liên quan đến chứng khoán, doanh nghiệp; nghiên cứu xếp hạng tín nhiệm, thúc đẩy lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Chuyển biến tích cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.