(HNMO) - Khu vực Nam Bộ mới chỉ có 2 tuyến cao tốc với tổng chiều dài hơn 170km là thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận. Tuy nhiên, cả 2 tuyến đường huyết mạch này đang bộc lộ nhiều bất cập, cần sớm giải quyết.
Cao tốc chưa đủ chuẩn
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 56km, chạy qua tỉnh Tiền Giang, nối với cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương (dài hơn 60km). Dự án mới hoàn thành giai đoạn 1, nên mỗi chiều đường cao tốc chỉ rộng hơn 8m, đủ 2 làn xe; không có làn khẩn cấp mà chỉ có 6 điểm dừng khẩn cấp mỗi chiều đường. Mỗi điểm dài 40m, rộng khoảng 2m.
Ngày 13-7, UBND tỉnh Tiền Giang đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nội dung sớm triển khai giai đoạn 2 của dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, do tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra.
Theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (chủ đầu tư), hiện trung bình mỗi ngày có khoảng 31.100 lượt xe qua lại cao tốc này, gần chạm ngưỡng mãn tải được dự báo cho năm 2025. Vào những ngày cuối tuần, lượng xe tăng đột biến vào giờ cao điểm, gây ùn ứ phương tiện tại lối ra vào 2 trạm thu phí trên tuyến.
Còn theo Cảnh sát giao thông tỉnh Tiền Giang, trung bình mỗi tháng có 20 vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến, làm 11 người bị thương và 2 người tử vong. Con số này gấp 4 lần so với cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương (dù cao tốc này có lưu lượng tới 50.000 lượt xe/ngày, gấp đôi so với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận). Nguyên nhân được xác định là dù đường hẹp, nhưng xe được chạy tối đa 80km/h, nên rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.
Mới đây nhất, ngày 8-7-2022, một xe 7 chỗ đang lưu thông theo hướng Trung Lương đi Mỹ Thuận thì giảm tốc độ. Xe 4 chỗ đi sau không còn lối tránh do đường hẹp nên đâm vào phía sau xe 7 chỗ. Vụ tai nạn làm xe 7 chỗ lật nhào, 5 người trên xe bị thương. Xe 4 chỗ vỡ nát phần đầu.
Anh Vũ Trung Đức, tài xế xe tải chuyên chạy tuyến này thông tin thêm: "Tôi chứng kiến ít nhất 2 vụ tai nạn chết người trong tháng 6-2022, khi xe hỏng phải đỗ làn 2 (do không có làn khẩn cấp), bị xe sau đâm trúng. Kể cả khi đến được điểm dừng khẩn cấp thì xe lớn như xe tải, xe container vẫn chìa một phần xe ra ngoài làn lưu thông do điểm đỗ khẩn cấp quá nhỏ, gây nguy hiểm cho phương tiện đi qua".
Để sớm giải quyết những bất cập này, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì làm việc với các bộ, ngành, UBND các địa phương (thành phố Hồ Chí Minh, Long An và Tiền Giang) để sớm triển khai giai đoạn 2 dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (mở rộng 2 làn khẩn cấp ở 2 chiều đường). Hiện, UBND tỉnh Tiền Giang và chủ đầu tư cùng nhất trí chưa thu phí trên tuyến, dù đã hoàn tất mọi điều kiện pháp lý và kỹ thuật cho đến hết tháng 7-2022.
Ùn tắc do lỗi thiết kế và giải pháp khắc phục
Tuyến cao tốc còn lại của khu vực phía Nam là cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Tuyến đường dài hơn 56km này đã được đầu tư hoàn chỉnh, nhưng tình trạng quá tải, ùn ứ giao thông thường xuyên xảy ra trên đoạn thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành (dài hơn 20km). Giờ cao điểm trên tuyến được các định kéo dài gần cả ngày (sáng từ 6h đến 12h và chiều từ 13h đến 21h), do ô tô chạy từ thành phố đến quốc lộ 51 tới các cảng lớn của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và các khu du lịch ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ngày cao điểm (như dịp lễ 30-4, 1-5), lượng xe vượt từ 90-170% công suất thiết kế. Tình trạng ùn tắc trên đoạn tuyến này thường xuyên diễn ra, nhất là tại 2 trạm thu phí Long Phước (đầu vào) và Long Thành (đầu ra). Theo Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC - chủ đầu tư), việc ùn ứ tại các trạm thu phí là do thiết kế, các trạm này được đặt quá sát các nút giao ra vào cao tốc.
Đáng chú ý là đoạn tuyến còn lại của cao tốc này (Long Thành - Dầu Giây) dài hơn 30km lại rất vắng xe qua lại, dù chạy qua nhiều khu công nghiệp lớn. Theo VEC, đây là lỗi thiết kế, vì toàn đoạn tuyến không có lối ra vào, kết nối với các đường ngang hay lối lên xuống các nơi đông đúc. Vì vậy, ô tô không chạy trên cao tốc mà vẫn chen nhau trên những tuyến đường cũ chật hẹp.
Với cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, UBND thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải lưu ý những bất cập trong thiết kế để khắc phục không chỉ ở cao tốc này mà ở cả những tuyến đường sắp xây dựng. Về phần mình, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Chính phủ xem xét các phương án mở rộng, kết nối toàn tuyến để “đón đầu” việc khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Về lâu dài, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2014/NĐ-CP ngày 22-4-2014 của Chính phủ về quản lý, bảo trì, khai thác đường cao tốc. Theo đó, Bộ đề xuất Chính phủ phân cấp cho UBND cấp tỉnh được phê duyệt điều chỉnh phương án tổ chức giao thông trên đường cao tốc qua địa phương; thực hiện quản lý nhà nước trong bảo trì và vận hành đường cao tốc...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.