Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm chuẩn hóa mô hình cộng tác viên sức khỏe cộng đồng

Thu Hoài| 25/03/2023 11:16

(HNMO) - Thực tiễn hoạt động thời gian qua và những kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng là một trong những thành tố quan trọng trong bảo vệ sức khỏe ban đầu ngay tại cơ sở ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngành Y tế thành phố đang nỗ lực phát triển, chuẩn hóa mô hình này.

Lực lượng cơ sở tuyên truyền phòng, chống Covid-19 tại điểm dân cư phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức.

Thực tiễn sinh động

9h sáng, bà Nguyễn Thị Hạnh, một cựu nhân viên Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, ngụ tại hẻm 60/68 đường Lâm Văn Bền, phường Tân Kiểng, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh, đã thông báo trên nhóm Zalo khu dân cư, nhắc nhở các bà mẹ trẻ chú ý cho con em mình trong độ tuổi từ 6-12 tháng tuổi đi uống Vitamin A tại Trạm Y tế phường.

Trước đó, trong 2 năm thành phố phòng, chống Covid-19, bà Hạnh là một trong những nhân tố tích cực của tổ Covid-19 của dân phố. “Anh chị em trong tổ chia nhau, người giám sát ca điều trị cách ly tại nhà, người hỗ trợ lấy giấy xác nhận hết thời gian cách ly. Những người khác phối hợp với nhân viên y tế đến khu dân cư tiêm vắc xin cho người dân. Chúng tôi có chuyên môn, nay có thời gian, nên chung tay làm việc cộng đồng”, bà Hạnh chia sẻ.

Thanh niên phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức tuyên truyền phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại điểm dân cư. Ảnh: Tấn Đạt

Bác sĩ Nguyễn Công Khoa, ngụ tại đường D4 phường Tân Hưng, quận 7, cũng là thành viên tích cực trong Tổ y tế cộng đồng của tổ dân phố. Tổ này phát triển từ tổ Covid-19 cộng đồng trong thời gian thành phố chống dịch. Bác sĩ Khoa đang công tác tại một bệnh viện của thành phố Hồ Chí Minh, nhưng khi về nhà nghỉ ngơi, ông lại cùng các đồng nghiệp hàng xóm trợ giúp dân cư.

“Hiện, chúng tôi đang tổ chức tuyên truyền cho bà con phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng và cảnh giác với bệnh marburg mới xuất hiện. Công tác phối hợp giữa tổ và Ban Quản lý, Ban Quản trị các chung cư và Trạm Y tế phường Tân Hưng diễn ra suôn sẻ. Góp phần bảo vệ cộng đồng nơi gia đình mình sinh sống cũng chính là bảo vệ mình, nên không cần thù lao gì, chúng tôi vẫn làm”, bác sĩ Khoa nói.

Còn nhiều người như bà Hạnh hay bác sĩ Khoa tại thành phố Hồ Chí Minh mà nhóm phóng viên chúng tôi đã gặp khi viết bài này, như chị Trương Kim Hiền, chủ một phòng khám ở quận Phú Nhuận; bác Vũ Mạnh Khánh, cựu sĩ quan Quân y, hiện nghỉ hưu tại khu Tân Thông Hội (quận Gò Vấp)... Tất cả rất tích cực tham gia các mô hình y tế cộng đồng tại địa phương nơi mình sinh sống, làm việc.

Thanh niên xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh ra quân tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết. 

Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh nhận định: “Kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc hình thành và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng là một trong những điều kiện không thể thiếu khi muốn củng cố và phát triển y tế cơ sở. Các cộng tác viên y tế cộng đồng cần được phát triển song song với củng cố và nâng cao năng lực cho trạm y tế phường, xã”.

Những bài học quý

Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, việc xây dựng mạng lưới và đào tạo các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng hiện chưa có tiền lệ, chưa có cơ chế hoạt động và khung pháp lý điều chỉnh. Đây là điều cần sớm được hoàn thiện. Trên thế giới, các mô hình tương tự đã phát huy hiệu quả tốt cả ở những nước phát triển và đang phát triển. 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tổng hợp từ thực tiễn 4 nhiệm vụ chính của các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. Thứ nhất, đội ngũ này được đào tạo để nhận diện các triệu chứng và dấu hiệu của các bệnh tật trong cộng đồng, giúp cơ quan chức năng có biện pháp kiểm soát và phòng ngừa lây lan. Thứ hai, tham gia công tác giáo dục và tư vấn sức khỏe. Thứ ba, hỗ trợ trong việc quản lý bệnh tật tại khu dân cư; hỗ trợ cho các bệnh nhân biết, được điều trị và chăm sóc đúng cách. Thứ tư, các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng giúp tạo ra môi trường sống khỏe mạnh tại khu dân cư. 

Cộng tác viên mạng lưới y tế cộng đồng tại Bangladesh tuyên truyền về các phương pháp tránh thai. Ảnh: Daily Sun.

Cũng theo WHO, mô hình cộng tác viên y tế cộng đồng đã giúp giảm tỷ lệ trẻ em tử vong tại Ghana (một quốc gia Tây Phi) từ 75/1.000 trẻ xuống còn 45/1.000 trẻ. Mô hình này tại Bangladesh giúp tăng tỷ lệ sử dụng phương pháp tránh thai từ 14% lên 52% trong cộng đồng…

Mô hình cộng tác viên y tế cộng đồng tại Mỹ giúp làm tăng tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em, ngoài ra, còn làm tăng tỷ lệ khám sức khỏe định kỳ ở người lớn. Mô hình này tại Anh giúp tăng cường sức khỏe tâm thần cho người cao tuổi. Đáng chú ý, mô hình “Kenko Nippon 21” - Chương trình sức khỏe quốc gia của Nhật Bản nhằm tăng cường sức khỏe cộng đồng và ngăn ngừa bệnh tật, được khởi xướng vào năm 2000 và được Chính phủ Nhật Bản tài trợ, đã gặt hái nhiều thành công. 

Cụ thể, các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng của chương trình gọi là Kenko Sodan-shi. Họ được đào tạo để cung cấp thông tin về sức khỏe cho người dân địa phương và giúp người dân duy trì lối sống lành mạnh, thường xuyên tham gia các hoạt động về sức khỏe cộng đồng, bao gồm tư vấn dinh dưỡng, tập thể dục, kiểm tra sức khỏe và các chương trình giáo dục sức khỏe. 

Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn chuẩn hóa mạng lưới cộng tác viên y tế cộng đồng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Ngành Y tế thành phố đã đăng ký, xây dựng đề án “Củng cố và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh”, nhằm tạo dựng những cánh tay nối dài của các trạm y tế trong triển khai các hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng đến từng hộ dân, từng người dân trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm chuẩn hóa mô hình cộng tác viên sức khỏe cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.