Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sôi nổi phong trào phân loại rác tại nguồn ở huyện Đông Anh

Minh Phú| 08/04/2022 15:16

(HNMO) - Thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Đông Anh có rất nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư xanh, sạch, đẹp. Đáng chú ý, nhiều hộ dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, vừa giúp giảm lượng phát sinh, bảo vệ môi trường, vừa biến rác thành sản phẩm có giá trị.

Chị Nguyễn Thị Tuyết (thôn Nghĩa Vũ, xã Dục Tú) sử dụng phân bón được xử lý từ rác hữu cơ bón cho cây trồng.

Việc làm thiết thực

Đã thành thông lệ, vào các ngày cuối tuần, người dân thôn Nghĩa Vũ (xã Dục Tú) lại tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Gắn với hoạt động này, các gia đình phân loại rác thành các loại: Rác thải hữu cơ, rác vô cơ và rác tái chế.

Bà Lê Thị Huế, Trưởng thôn Nghĩa Vũ, Trưởng nhóm phân loại rác thải của thôn cho biết, với rác thải hữu cơ, người dân cho vào thùng nhựa hoặc hố đất, tưới men vi sinh ủ làm phân bón cho cây trồng. Còn các loại rác tái chế được như vỏ chai nhựa, lon bia… xếp gọn để bán phế liệu…

Trong vườn của gia đình bà Nguyễn Thị Nguyên (thôn Nghĩa Vũ) có một hố ủ phân hữu cơ, có nắp đậy. Tất cả cơm thừa, vỏ trứng, cọng rau... phát sinh từ nhà bếp đều được cho vào hố ủ, tưới thêm nước pha dung dịch men vi sinh rồi đậy lại. Nhiều năm nay, với việc ủ rác thải, gia đình bà đã đủ phân bón cho khu vườn rau luôn xanh mướt mà không phải dùng phân hóa học.

“Phân loại rác đã mang lại “lợi ích kép”, vừa làm sạch môi trường, giảm lượng rác thải phát sinh ra môi trường, vừa có nguồn phân bón sạch cho cây trồng”, bà Nguyên phấn khởi nói.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Dục Tú Trần Bình Trọng, từ tháng 2-2021, xã chọn thôn Nghĩa Vũ làm điểm triển khai mô hình phân loại rác với 50 hộ tham gia. Lãnh đạo thôn và các ban, ngành, đoàn thể phân chia thành 5 nhóm, mỗi nhóm 2 người phụ trách. Hằng ngày, các nhóm tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát thực hiện việc phân loại rác thải.

“Chúng tôi hướng dẫn người dân sử dụng các thùng xốp, thùng sơn… để làm thùng chứa rác hữu cơ, UBND xã hỗ trợ chế phẩm sinh học giúp các hộ ủ rác thành phân bón. Phong trào nhanh chóng nhân rộng ra 171 hộ gia đình trong thôn. Theo đánh giá, việc phân loại và xử lý rác hữu cơ đã giúp giảm 71,3% số rác phải vận chuyển đến bãi rác; 162 hộ gia đình có phân hữu cơ làm phân bón và 9 hộ gia đình tận dụng được rác hữu cơ làm thức ăn chăn nuôi. Từ mô hình làm điểm, xã tiếp tục nhân rộng ra các thôn khác trên địa bàn…”, ông Trọng chia sẻ.

Hố xử lý rác thải hữu cơ trong vườn gia đình bà Nguyễn Thị Nguyên, thôn Nghĩa Vũ (xã Dục Tú).

Không riêng xã Dục Tú, theo báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh, đến hết tháng 3-2022, trên địa bàn huyện đã có 23 xã, thị trấn tham gia chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà. Trong đó, có 3 xã đã triển khai ở 100% số thôn là: Liên Hà, Dục Tú, Việt Hùng; 20 xã, thị trấn còn lại, mỗi xã, thị trấn triển khai ít nhất tại một thôn hoặc tổ dân phố làm điểm. Đến hết tháng 2-2022, toàn huyện đã có 7.621 hộ tham gia triển khai mô hình phân loại và xử lý rác hữu cơ.

Theo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh, năm 2021, việc xử lý rác tại nhà, đặc biệt là rác hữu cơ từ nhà bếp đã giúp giảm 50-70% lượng rác từ mỗi hộ gia đình. Khi tiến hành kiểm kê rác 9 xã tại huyện Đông Anh (309 hộ gia đình), lượng rác hữu cơ được phân loại xử lý tại hộ gia đình là 59%, rác tái chế thu gom 12%, rác đổ đi là 29%.

Nhiều hộ gia đình ở huyện Đông Anh đã quen với việc phân loại rác thải hữu cơ, rác thải vô cơ và rác thải tái chế để có hướng xử lý với từng loại rác.

Lan tỏa cách làm hay

Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh Hoàng Anh Tuấn cho hay, để việc phân loại rác hiệu quả, cách làm của huyện là đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu ích lợi của việc làm, khi đó tự giác tham gia. Quá trình thực hiện, huyện và xã đều chọn địa phương làm điểm, có hỗ trợ cụ thể. Tại các đơn vị làm điểm, tiếp tục chia thành nhiều nhóm nhỏ, “nhóm nòng cốt” để hỗ trợ trực tiếp người dân.

Bà Đỗ Thị Phương (thôn Thái Bình, xã Mai Lâm) chia sẻ, thời gian đầu triển khai thí điểm, việc phân loại, xử lý rác tại ở các hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn vì người dân chưa có thói quen phân chia rác. Nhờ UBND cấp xã, huyện nhắc nhở, chia sẻ, đến nay việc phân loại dần ổn định. Người dân các thôn, xóm tự giác phân loại tại nhà để “nhóm nòng cốt” dễ dàng thu gom, vận chuyển.

Một thùng chứa và ủ rác thải hữu cơ trên đường, ngõ, xóm ở xã Dục Tú để người dân thuận tiện để rác. Việc phân loại và xử lý rác cũng đã giúp đường làng, ngõ xóm ở xã Dục Tú luôn sạch sẽ.

Bà Lê Thị Huế, Trưởng thôn Nghĩa Vũ, Trưởng nhóm phân loại rác thải của thôn cho biết, “nhóm nòng cốt” của thôn có 10 người.  "Chúng tôi phân công mỗi người giúp đỡ 10 hộ, từ đó mô hình nhanh chóng được nhân rộng. Tuy nhiên, khi mới thực hiện không phải không có khó khăn. Nhiều gia đình ủ rác chưa đúng cách, gây mùi, phát sinh ruồi, bọ nên nản. Chúng tôi đã thành lập các nhóm Zalo để các gia đình ủ rác chưa thành công có thể chụp ảnh, đặt câu hỏi, nhóm sẽ cử cán bộ xuống hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện đúng kỹ thuật. Với các hộ không trồng cây, không có nhu cầu ủ phân, chúng tôi đặt các thùng ủ rác trên tuyến đường xóm để các hộ có thể để rác hữu cơ vào đó, các hộ có nhu cầu sử dụng phân bón sẽ tới lấy”, bà Huế chia sẻ.

Từ những kết quả đạt được, đến nay, số người tự phân loại và xử lý rác tại nhà trên địa bàn huyện Đông Anh tiếp tục tăng. Nhiều hộ gia đình coi việc làm này như thói quen thường nhật. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sôi nổi phong trào phân loại rác tại nguồn ở huyện Đông Anh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.