Ngày 23-10, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đưa ra xét xử phúc thẩm đối với Hoàng Tiến Dũng (sinh năm 1987, ở xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Cùng với đó, Vũ Văn Việt (sinh năm 1992, ở xã Trà Giang, huyện Kiến Xương, Thái Bình); Phan Hà Hải (sinh năm 1993, ở quận Hà Đông, Hà Nội); Doãn Tiến Mạnh (sinh năm 1992, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cũng có kháng cáo và bị đưa ra xét xử phúc thẩm.
Trước đó, vào tháng 8-2024, tại phiên xét xử sơ thẩm, Hoàng Tiến Dũng, Vũ Văn Việt bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt cùng mức án 9 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cùng tội danh, Phan Hà Hải bị tuyên phạt 7 năm tù, Doãn Tiến Mạnh lĩnh 6 năm tù.
Liên quan vụ án, Trần Minh Hải (sinh năm 1997, ở huyện Thanh Trì, Hà Nội) bị Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 3 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, với vai trò đồng phạm giúp sức. Tuy nhiên, bị cáo này không kháng cáo, không bị kháng cáo và cũng không bị kháng nghị.
Theo cáo trạng, Phan Hà Hải từng cho Nguyễn Minh Nghĩa (sinh năm 1992, ở Bắc Giang) vay 5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi đòi nợ, Nghĩa nói không có tiền trả. Nghĩa cho biết đang có mâu thuẫn tình cảm với bạn gái tên Nhung (làm nghề đổi nhân dân tệ) và rủ Hải lừa tiền của cô gái này.
Nghĩa bày cách cho Hải và các bị cáo khác đóng giả làm người mua, bán khoai lang từ Trung Quốc vào Việt Nam cần đổi nhân dân tệ. Nếu chị Nhung mắc lừa, gửi tiền vào tài khoản bên Trung Quốc, các bị cáo sẽ không đưa tiền Việt cho chị Nhung mà chiếm đoạt luôn số ngoại tệ đó.
Nhóm bị cáo sau đó tập trung tại một căn hộ, phân công nhau mượn tài khoản ngân hàng Trung Quốc; chuẩn bị 600 triệu đồng tiền mặt để chị Nhung nhìn thấy; phân vai diễn ai là người mua, người bán khoai lang; thuê ô tô để tẩu thoát ngay khi chiếm đoạt được tiền…
Sau khi lên kế hoạch, cả nhóm hẹn gặp chị Nhung vào chiều 1-3-2023, tại một quán cà phê ở quận Tây Hồ (Hà Nội). Tại đây, các bị cáo tự giới thiệu muốn đổi 1,8 vạn nhân dân tệ, tương đương 600 triệu đồng để thanh toán lô hàng khoai lang. Thực tế, các bị cáo cũng đặt túi đựng 600 triệu đồng lên bàn uống nước để chị Nhung nhìn thấy, tin tưởng.
Chị Nhung nói không đủ tiền nên chỉ có thể chuyển hơn 13.000 nhân dân tệ (tương đương 430 triệu đồng). Chị Nhung đã chuyển số tiền này vào tài khoản ngân hàng bên Trung Quốc do các bị cáo cung cấp và có quay video, chụp ảnh chứng từ thể hiện giao dịch. Tuy nhiên, các bị cáo luôn khẳng định tài khoản chưa có tiền, rồi dàn cảnh cãi vã để bỏ chạy ra xe ô tô chuẩn bị sẵn. Chị Nhung đã hô hoán, kéo các bị cáo lại khiến cọc tiền 600 triệu đồng bung ra.
Các bị cáo nhặt lại cọc tiền nhưng vẫn bị rơi 100 triệu đồng, buộc Hải, Việt phải ở lại tìm. Số tiền này sau đó được chị Nhung phát hiện, cất giữ. Cùng lúc này, lực lượng Công an nhận tin báo về sự việc đã có mặt, đưa tất cả về trụ sở làm việc.
Những ngày tiếp theo, nhóm lừa đảo lần lượt ra trình diện và khai báo hành vi phạm tội như trên. Riêng Nguyễn Minh Nghĩa bỏ trốn. Quá trình truy tìm, cơ quan chức năng chưa xác định được đối tượng.
Bị đưa ra xét xử tại phiên tòa phúc thẩm, khi nghe Hội đồng xét xử giải thích về quy định pháp luật, các bị cáo đã lần lượt rút kháng cáo, chấp nhận hình phạt tại bản án sơ thẩm. Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.