(HNMCT) - Sóc Trăng có vị trí địa lý thuận lợi là ở gần các trung tâm du lịch vùng Nam Bộ như thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Côn Đảo và sở hữu nhiều tiềm năng về du lịch. Bên cạnh kho tàng di sản văn hóa đồ sộ, Sóc Trăng còn có nguồn tài nguyên dồi dào để thúc đẩy mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái - một trong những hướng phát triển du lịch bền vững của tỉnh.
Đa dạng các mô hình du lịch cộng đồng
Sóc Trăng có đường bờ biển dài 72km, tạo nên những bãi biển hoang sơ, xinh đẹp như Hồ Bể, Mỏ Ó. Bên cạnh đó, Sóc Trăng còn có dãy cù lao với những vườn cây ăn quả sum suê trải dài khoảng 60km trên dòng sông Hậu; những cánh rừng bần ngập nước với hệ sinh thái đa dạng và hệ thống sông, rạch chằng chịt... Đó là nguồn tài nguyên dồi dào để phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nhằm thu hút du khách đến với địa phương.
Một trong những điểm du lịch cộng đồng được nhiều người biết tới là Cụm du lịch cộng đồng ấp Phương An 3 (xã Hưng Phú, huyện Mỹ Tú), nơi du khách có thể hòa mình vào không gian văn hóa thuần chất Nam Bộ. Tại đây, du khách có thể tham quan vườn cây ăn trái, chống xuồng thả lưới đánh bắt thủy sản cùng người dân... Ngoài ra, du khách có cơ hội khám phá thiên nhiên, tìm hiểu quá trình lịch sử cha ông mở cõi hay cùng người dân thu hoạch nông sản và đem bán tại chợ nổi Ngã Năm. Sự hồn hậu, chân chất của người dân miền Tây khiến du khách lưu luyến mãi với vùng đất và con người nơi đây.
Một điểm sáng khác về du lịch cộng đồng ở Sóc Trăng là Cụm du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước (xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách), nơi gắn liền với loại hình du lịch nghỉ dưỡng sinh thái chất lượng cao đậm chất Tây Nam Bộ. Cồn Mỹ Phước có tổng diện tích 1.020ha và chiều dài 3,5km, trong đó diện tích trồng cây ăn quả chiếm khoảng 300ha. Đến với cồn Mỹ Phước, du khách còn được khám phá các món ăn dân dã mang hương vị xứ cồn như cá lóc luộc hèm, canh chua cá ngát nấu bần, ốc luộc nước dừa chấm cơm mẻ và thưởng thức đờn ca tài tử.
Sau chuyến du lịch kéo dài 2 ngày 1 đêm tại cồn Mỹ Phước, chị Nguyễn Thị Thu Nga (quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tôi cùng nhóm bạn đã có những trải nghiệm thú vị, hiểu hơn về cuộc sống của người dân miệt vườn, đồng thời cũng tích lũy thêm cho mình kiến thức về văn hóa, phong tục và cảnh quan thiên nhiên nơi đây. Nếu có dịp, chắc chắn chúng tôi sẽ trở lại”.
Tăng cường hỗ trợ người dân
Là một trong những hộ dân đi tiên phong làm du lịch cộng đồng, ông Nguyễn Văn Tẩn ở ấp Phương An 3 cho biết: “Được tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ chi phí đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất và đào tạo kỹ năng đón tiếp khách, đến nay, nguồn thu nhập chính của gia đình tôi đến từ việc kinh doanh homestay (mô hình khách lưu trú cùng người dân). Tham gia cung cấp dịch vụ này, chúng tôi không chỉ có nguồn thu ổn định mà còn nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường tự nhiên - xã hội”.
Theo ông Nguyễn Trí Nguyện, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ du lịch Ngã Năm (Sóc Trăng), sau hai đợt bùng phát dịch Covid-19, công ty đã nhanh chóng bắt tay với các hộ dân làm du lịch cộng đồng để có chính sách giảm giá tới 20% và làm mới sản phẩm nhằm thu hút khách. Nhờ vậy, những tháng cuối năm 2020, lượng khách đến với các mô hình du lịch cộng đồng có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sóc Trăng Phạm Văn Đâu cho biết: Từ năm 2016, Sở đã bắt tay xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020 tỉnh Sóc Trăng với nội dung cơ bản là xây dựng 3 cụm phát triển du lịch cộng đồng ở ấp Phương An 3, cồn Mỹ Phước (xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách) và 3 xã của huyện Cù Lao Dung. Các hộ dân tham gia đề án được hỗ trợ về kinh phí và lãi suất khoản vay trong 3 năm đầu. Nhờ sự hỗ trợ tích cực từ cơ quan quản lý nhà nước, thu nhập bình quân tại các địa phương phát triển mô hình du lịch cộng đồng đạt trên 50 triệu đồng/ người/ năm; tỷ lệ hộ khá, giàu đạt 94,5%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,87% theo tiêu chí mới...
Để du lịch cộng đồng phát huy hiệu quả lớn hơn trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ tăng cường xây dựng ấn phẩm giới thiệu hệ thống homestay qua các tờ gấp, trang mạng xã hội và website để du khách biết đến nhiều hơn, đồng thời kết nối với các công ty du lịch nhằm mang lại cho các hộ dân nguồn khách ổn định lâu dài. Đó chính là cách để du lịch cộng đồng phát triển bền vững mà tỉnh Sóc Trăng hướng tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.