Giao thông

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu nối 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng

Theo TTXVN 15/10/2023 - 12:11

Sáng 15-10, tại tỉnh Trà Vinh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu, nằm trên Quốc lộ 60 nối hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

cdnimg.vietnamplus.vn-t620-uploaded-xpcwvovt-2023_10_15-_ttxvn_thu_tuong_5.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Dự án Đầu tư Xây dựng Cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Ngô Chí Cường, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn; Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm; lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cầu Đại Ngãi có điểm đầu giao với Quốc lộ 54 thuộc địa phận xã Hùng Hòa, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh và điểm cuối giao Quốc lộ Nam sông Hậu thuộc địa phận xã Long Đức, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Toàn tuyến dự án cầu Đại Ngãi có chiều dài trên 15km, 5 nút giao, 7 cầu; trong đó có 2 cầu vượt chính dây văng là cầu Đại Ngãi 1 (dài 2.560m) và cầu Đại Ngãi 2 (dài 862m). Tổng mức đầu tư trên 8.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Dự kiến hết năm 2026 cầu Đại Ngãi hoàn thành sẽ xóa bỏ 2 bến phà cuối cùng trên tuyến Quốc lộ 60. Đây là công trình chiến lược, là trục giao thông quan trọng ven biển kết nối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn được khoảng 80km từ Cà Mau đi qua Sóc Trăng, Bạc Liêu đến thành phố Hồ Chí Minh so với đi trên tuyến Quốc lộ 1 hiện nay.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về hạ tầng, gồm có hạ tầng giao thông. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã dành nguồn vốn lớn cho phát triển hạ tầng giao thông. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã dành gần 100 ngàn tỷ đồng đầu tư xây dựng các tuyến giao thông kết nối các vùng kinh tế - xã hội.

Trong nhiệm kỳ này Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành các Nghị quyết, Quốc hội, Chính phủ ban hành các Nghị quyết, chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp và thường xuyên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng, trong đó có các dự án phát triển hạ tầng.

Thủ tướng chỉ rõ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có vai trò và ý nghĩa chiến lược. Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ xác định phát triển hạ tầng giao thông tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cả các phương thức: đường bộ, đường thủy nội địa, vận tải biển, hàng không, đường sắt.

Để phát triển hạ tầng giao thông cần nguồn vốn rất lớn, với phương châm "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", phải huy động mọi nguồn lực cho phát triển hạ tầng.

Trong những năm qua, nhiều dự án xây dựng công trình giao thông lớn, có tính liên kết, lan tỏa trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã được hoàn thành, tạo thuận lợi kết nối giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các vùng, miền khác của cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân của các tỉnh Tây Nam Bộ nói chung và hai tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng nói riêng.

Trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã xác định mục tiêu là từng bước hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch, thực hiện chiến lược xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi được xác định là một hạng mục quan trọng trong quy hoạch.

Thủ tướng đánh giá cao các Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan đã chỉ đạo quyết liệt và có những biện pháp hiệu quả đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị để triển khai dự án; biểu dương cấp ủy, chính quyền 2 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng và chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp đồng bộ nhằm sớm hoàn thành các thủ tục theo quy định; ghi nhận, biểu dương và cảm ơn nhân dân hai tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng đã nhường đất đai, nhà cửa để phục vụ giải phóng mặt bằng cho Dự án.

cdnimg.vietnamplus.vn-t620-uploaded-xpcwvovt-2023_10_15-_ttxvn_thu_tuong_2_1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công Dự án Đầu tư Xây dựng Cầu Đại Ngãi. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Theo Thủ tướng Chính phủ, để hoàn thành dự án còn rất nhiều công việc phải làm, nhiệm vụ còn rất nặng nề như: Phải tiếp tục giải phóng mặt bằng các vị trí còn lại; chuẩn bị khối lượng vật liệu xây dựng, bãi đổ thải; thi công khối lượng công trình lớn trong điều kiện địa hình, địa chất rất phức tạp…, đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các địa phương.

Để công trình được hoàn thành, bảo đảm an toàn, chất lượng và tiến độ đề ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tập trung quyết liệt chỉ đạo, yêu cầu Ban quản lý dự án, tư vấn giám sát và các nhà thầu phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, xây dựng kế hoạch, phương án thi công một cách khoa học, chi tiết, phù hợp, đảm bảo hiệu quả, chất lượng thi công và tuyệt đối an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường; huy động nhân lực, thiết bị máy móc hiện đại để thi công; tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, quy định pháp luật liên quan, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gây thất thoát tài sản nhà nước; tổ chức thực hiện dự án, bảo đảm chất lượng, vượt tiến độ đã đề ra. "Với tinh thần vượt nắng, thắng mưa, rút ngắn thời gian thi công, hoàn thành dự án trước năm 2026", Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm công tác an ninh, trật tự để Ban quản lý dự án và các nhà thầu thi công. Các bộ và các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long có mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng ưu tiên cung cấp nguồn nguyên vật liệu cát đắp cho Dự án, cấp phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng cho các nhà thầu thi công dự án nhanh chóng, thuận lợi, đúng quy định pháp luật.

Người đứng đầu Chính phủ giao UBND tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng tiếp tục triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định; sớm bàn giao 100% diện tích mặt bằng cho Dự án, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tái định cư, hỗ trợ ổn định sản xuất, bảo đảm sinh kế cho người dân tại nơi ở mới, có công việc mới bằng và tốt hơn nơi cũ; mong muốn người dân ủng hộ, giám sát quá trình triển khai dự án, tránh khiếu kiện đông người.

“Mỗi cá nhân tham gia dự án cần nâng cao ý thức trách nhiệm với công việc, với nhân dân, với đất nước; đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần triển khai các dự án thành phần đúng tiến độ với tinh thần tất cả vì nhân dân, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, Thủ tướng nhắc nhở.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát lệnh và cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và hai tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng thực hiện nghi thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận các tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát lệnh khởi công cầu Đại Ngãi bắc qua sông Hậu nối 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.